Loay hoay thực hiện chương trình GDPT mới

Sự kiện: Giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ( còn gọi là Chương trình giáo dục phổ thông mới) triển khai nhiều năm nhưng thực tế ở các địa phương, trường học kêu gặp khó khi bố trí đội ngũ dạy môn tích hợp cũng như khó khăn khi thiếu tài liệu giáo dục địa phương.

Thầy trò dạy chay

Phó Hiệu trưởng 1 trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) nói rằng năm nay là năm thứ 2 thầy trò phải “dạy chay” môn giáo dục địa phương vì chưa có tài liệu dạy học. Theo chương trình GDPT mới, phải có giờ học về giáo dục địa phương, do đó nhà trường tạm phân giáo viên dạy Ngữ văn hoặc Lịch sử đứng lớp. “Các thầy cô phải tự tìm hiểu về lịch sử Hà Nội hoặc các di tích thuộc quận/huyện mình để dạy học sinh. Cách làm chương trình đi trước, con người, tài liệu dạy học đi sau như vậy là không có sự chuẩn bị chu đáo và không đem lại hiệu quả”, Phó Hiệu trưởng này nói.

Học sinh một số địa phương đang phải “học chay” vì thiếu tài liệu giáo dục địa phương

Học sinh một số địa phương đang phải “học chay” vì thiếu tài liệu giáo dục địa phương

Tại Quảng Trị thời điểm này, tài liệu giáo dục địa phương mới chỉ xuất bản và đưa vào giảng dạy được đối với lớp 1,2,6 trong khi chương trình GDPT mới còn áp dụng cho cả các lớp 3,7,10.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương, tài liệu giáo dục địa phương ở Quảng Trị hiện đã thẩm định xong ở cấp tỉnh và trình Bộ GD&ĐT thẩm định. “Quy trình để biên soạn, xuất bản được tài liệu dạy học không dễ vì địa phương phải mời chuyên gia viết và lập hội đồng đánh giá, thẩm định mất rất nhiều thời gian”, bà Hương nói.

Một số địa phương cũng kêu khó khăn vì không có kinh nghiệm trong biên soạn tài liệu dạy học nên các nhà trường đang phải dạy chay.

Giáo viên phải nỗ lực hơn nữa

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã kiểm tra việc triển khai môn Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh Hưng Yên. Đoàn đã kiểm tra, dự giờ môn Khoa học Tự nhiên và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, huyện Yên Mỹ.

Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết: môn KHTN là môn tích hợp mới áp dụng, hiệu trưởng được quyền tổ chức xây dựng kế hoạch đảm bảo một cách hợp lý, khoa học. Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết, đối với những môn học mới, nhà trường đã xây dựng kế hoạch năm học, giáo viên nỗ lực hòa nhập. Tổ chuyên môn cũng cập nhật nhật ký của giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. “Tuy nhiên có thực tế các môn tích hợp là môn học mới nên giáo viên đứng lớp vẫn bỡ ngỡ, phải vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, vẫn còn giáo viên thiếu trình độ chuyên môn”, bà Yến nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới là việc khó khăn và môn học tích hợp như KHTN là một trong những điểm khác biệt rõ ràng của chương trình hiện hành, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực hơn.

Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trước đây dạy theo chủ đề và tiến độ của chương trình, trường hợp đặc biệt thì có thể bố trí dạy song song. Ngoài ra, phải tăng cường tập huấn, bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn cho các giáo viên các môn học mới; đầu tư, chú trọng mua sắm thiết bị…

Tại Hà Nội, hiệu trưởng một số trường THCS chia sẻ thực trạng: Giáo viên Sinh học phải dạy Hóa và ngược lại giáo viên Hóa học kiêm Sinh học, Vật lý do đó thầy cô không có kiến thức sâu để dạy học sinh. Thậm chí, thầy cô hai môn phải “dạy” một người để lên lớp. Với cách làm như vậy, giáo viên rất mất tự tin, sợ học sinh hỏi khó không thể trả lời.

Nguồn: [Link nguồn]

Lịch sử thành môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông: Bộ GD-ĐT nói gì?

Bộ GD-ĐT vừa thông tin về kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN