Loay hoay mô hình trường học mới

Năm học 2013-2014, TP HCM sẽ tổ chức thí điểm ở mỗi quận, huyện một trường tiểu học dạy theo mô hình trường học mới. Việc áp dụng mô hình này tại TP HCM cho thấy nhiều điều bất ổn.

Mô hình trường học mới (VNEN) khởi nguồn từ Colombia vào những năm 1995-2000 để dạy học sinh (HS)trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn. Dù được đánh giá là mô hình có thể góp phần đổi mới dạy và học nhưng thực tế khi áp dụng mô hình này, nhiều tiêu chí được đánh giá là không phù hợp.

Học sinh tiểu học “tự bơi”

Tại TP HCM, Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) là trường đầu tiên áp dụng mô hình VNEN từ năm học 2012-2013 ở khối lớp 2 và 3. Năm học 2013-2014, trường tiếp tục thực hiện ở khối lớp 4. Qua năm đầu tiên triển khai, bà Phan Thị Mỵ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, đánh giá điểm nổi bật của mô hình chủ yếu ở cách tổ chức lớp học, quản lý lớp học là do hội đồng tự quản HS và các nhóm trưởng trong lớp thực hiện. Đây là biện pháp giúp HS tự học, tự quản, tự làm chủ quá trình học tập. Giáo viên gần như thoát ly khỏi bảng đen, phấn trắng, chủ động tổ chức các hoạt động cho HS theo nhóm.

Loay hoay mô hình trường học mới - 1

Một giờ học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường Tiểu học Tân Thông,
huyện Củ Chi, TP HCM

Theo ông Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, thay đổi lớn của mô hình này là sắp xếp bàn ghế theo nhóm (5-8 em/nhóm). Nội dung làm việc của từng nhóm không giống nhau, giáo viên không hướng dẫn chung mà làm việc với từng HS hoặc từng nhóm một. Việc đánh giá HS cũng đổi mới theo tiêu chuẩn VNEN, đó là bằng nhận xét, đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích HS.

Tuy là năm thứ hai thực hiện nhưng khó khăn mà Trường Tiểu học Tân Thông gặp phải không ít. Bà Phan Thị Mỵ cho biết một số HS lớp 2 còn hạn chế về kỹ năng sử dụng tiếng Việt, vì vậy còn khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu trong bài. Theo một số chuyên gia giáo dục, mô hình này đề cao vai trò tự học của HS nhưng ở bậc tiểu học, việc để HS “tự bơi” mà thiếu vai trò của giáo viên chưa hẳn đã tốt.

Áp lực sĩ số

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, bắt đầu từ năm học này, mỗi quận - huyện sẽ chọn một trường tiểu học để thí điểm giảng dạy theo VNEN. Việc thí điểm trên nguyên tắc tự nguyện, thiết thực và hiệu quả, không gây khó khăn cho cha mẹ HS và bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, xuất thân của mô hình là giảng dạy trong điều kiện sĩ số ít, trong khi do áp lực về sĩ số, tại TP HCM rất ít trường có thể đáp ứng các tiêu chí của mô hình.

Bà Mỵ cũng cho biết thực trạng tại Trường Tiểu học Tân Thông, sĩ số bình quân ở mỗi lớp khá cao nên gây khó khăn cho giáo viên trong việc theo dõi, uốn nắn các hoạt động của từng nhóm, từng HS. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp cũng nhận định nếu áp dụng theo mô hình VNEN, nhà trường phải mời gần nửa số HS trong mỗi lớp ra ngoài mới có khoảng trống để xoay bàn ghế và sắp xếp cho HS học tập theo nhóm. “Trong điều kiện các trường gặp áp lực về sĩ số như hiện nay thì việc áp dụng mô hình VNEN rất khó khả thi” - vị hiệu trưởng này cho biết.

Một chuyên gia giáo dục phân tích: Mô hình xuất phát để giảng dạy tại các địa phương miền núi nhưng khi triển khai ở một đô thị lớn như TP HCM thì chỉ các trường chuẩn quốc gia mới tự tin tham gia, còn những trường khác thì không khả thi là bởi chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là sĩ số HS đông. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết tại quận này, nhìn đi nhìn lại chỉ có Trường Tiểu học Hàm Tử có thể áp dụng được bởi hiện mỗi lớp chỉ 30-35 HS, trường mới được cải tạo, xây mới nên cơ sở vật chất có khả năng đáp ứng.

Tại quận 7, mô hình VNEN sẽ được tổ chức thí điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng. Trường này được chọn để thí điểm vì là trường chuẩn quốc gia, chuẩn về sĩ số; các phòng thư viện, tài liệu học tập cũng bảo đảm. Phòng GD-ĐT quận 7 sẽ chọn một vài khối lớp để học tập theo mô hình VNEN và chọn lọc một số tiêu chí trong mô hình này để học tập chứ không bắt chước nguyên xi.

Không ổn!

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi sẽ là trường đầu tiên ở quận 4 tổ chức thí điểm theo mô hình này. Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng, phân tích mô hình này bộc lộ nhiều hạn chế bởi giáo viên giảng dạy và tổ chức lớp học theo khuôn mẫu, tài liệu dạy học cũng được hướng dẫn tỉ mỉ, giáo viên cứ thế mà làm theo. Phương pháp này tuy tránh quá tải nhưng không phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên. Chẳng hạn, ở môn toán lớp 4, có bài “biểu thức có chứa hai chữ”, “tính chất giao hoán của phép cộng”… Tuy nhiên, những hoạt động ứng dụng cho HS rất rập khuôn như yêu cầu giáo viên hướng dẫn HS làm bài tập về nhà bằng phép toán: “Em nghĩ ra biểu thức chứa hai chữ rồi cùng bố, mẹ tính giá trị biểu thức khi thay hai chữ bằng các số khác nhau”. Theo bà Hà, đáng lẽ những hoạt động ứng dụng này nên để giáo viên sáng tạo, không nên cầm tay chỉ việc. Ngoài ra, thời đại công nghệ thông tin phát triển nhưng mô hình VNEN hầu như không nhắc tới việc sử dụng các thiết bị.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhận định đúng là việc dạy học theo hướng dẫn trong sách quá rập khuôn. Giáo viên rập khuôn từ việc ghi bảng, trình bày đến tổ chức các hoạt động trong lớp, HS thì có thao tác giống nhau. Như thế là không ổn.

Thí điểm trên diện rộng

Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015 sau khi triển khai thí điểm tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk). Năm học 2012-2013 là năm học thứ hai mô hình VNEN được Bộ GD-ĐT triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN