Loạn thu đầu năm học mới
Tình trạng lạm thu đã và đang diễn ra ở nhiều trường phổ thông tại TPHCM với những khoản thu phi lý, cao ngất ngưởng khiến phụ huynh bức xúc bởi quá sức chịu đựng.
Thu vô tội vạ
Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) năm học 2022-2023 dự kiến chi 130,2 triệu đồng cho 7 hạng mục. Trong đó, hạng mục “chăm cô” hết khoảng 54 triệu đồng. Ở hạng mục này, ban đại diện sẽ chi mỗi tháng 6 triệu đồng cho giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu, mỗi cô 3 triệu đồng và sẽ được chuyển khoản hằng tháng. Ở hạng mục chi cho lễ, tết, ban đại diện dự kiến chi mỗi đợt 19,6 triệu đồng, trong đó, có việc bỏ phong bì cho ban giám hiệu, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu…
Ngoài ra, một số hoạt động khác trong ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, ban đại diện này cũng dự kiến bỏ phong bì cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu… với mức chi 4,6 triệu đồng/ngày lễ. Để có tiền “chăm cô” và chi phong bì các dịp lễ, tết…, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp này sẽ chia đều 130,2 triệu đồng cho 41 học sinh, và trung bình mỗi phụ huynh đóng hơn 3,1 triệu đồng.
Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM nơi có lớp dự thu 270 triệu đồng tiền quỹ phụ huynh để chi nhiều khoản cho giáo viên Ảnh: Nguyễn Dũng
Tình trạng lạm thu đầu năm học mới diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học khác nhau. Tại Trường THCS Lê Qúy Đôn (quận 3), ban đại diện cha mẹ học sinh của một số lớp 9 của trường này cũng dự kiến sẽ “chi mạnh” cho các hoạt động của lớp vì đây là năm cuối con học ở trường. Một phụ huynh cho biết, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con họ đang học dự kiến thu chi quỹ lên đến 270 triệu đồng. Cụ thể, ở khoản cơ bản, tổng số tiền trong năm hơn 38 triệu đồng, trong đó có tiền bổ sung cơ sở vật chất đầu năm (2,45 triệu đồng), thuê áo tốt nghiệp (3,3 triệu đồng), tổ chức lễ tri ân, tốt nghiệp (gần 15 triệu đồng), tiền điện cả năm (10 triệu đồng)…
Ngoài ra, ban đại diện cha mẹ học sinh này còn dự chi cho các hoạt động của học sinh trong năm với tổng số tiền là 174 triệu đồng, trong đó chi tiền làm kỷ yếu 4 năm (gần 60 triệu đồng), chi liên hoan học kỳ I và học kỳ II (40 triệu đồng), chi cho hoạt động văn nghệ 20/10 (25 triệu đồng), photo các môn và tài liệu ôn tuyển sinh lớp 10 (10 triệu đồng), phần thưởng cuối năm (9,9 triệu đồng) và quà sinh nhật (6,6 triệu đồng). Về phần quà tặng 20/11 và quà tết, phụ huynh lớp này dự kiến chi 58 triệu đồng. Trong đó, dự kiến chi 30 triệu đồng để tặng quà ngày 20/11 cho tất cả giáo viên, ban giám hiệu, cán bộ nhân viên nhà trường (kể cả bảo vệ, lao công, văn thư, y tế, nhập liệu…)
Những bảng dự chi “khủng” của ban đại diện phụ huynh gây bức xúc dư luận
Tương tự, ở một lớp 9 khác của trường này ban đại diện cha mẹ học sinh cũng dự kiến thu chi cho năm học này lên tới 165,2 triệu đồng. Lớp có 52 học sinh, bình quân mỗi phụ huynh sẽ đóng gần 3,2 triệu đồng/năm cho quỹ này. Trước đó, nhiều phụ huynh ở Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) cũng cho biết, nhà trường đưa ra nhiều khoản thu bất hợp lý, dẫn đến số tiền đầu năm mỗi phụ huynh phải đóng lên đến gần 7 triệu đồng.
Phụ huynh thu, nhà trường không biết?
Trong những sự việc trên, lãnh đạo các trường đều lên tiếng khẳng định không biết, không chỉ đạo phụ huynh làm. Ông Phan Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, kế hoạch dự chi 130 triệu đồng, trong đó có tiền chăm cô, quà tặng ban giám hiệu… là do đại diện phụ huynh lớp 1/3 lập và đăng lên nhóm zalo để lấy ý kiến phụ huynh trong lớp. Nhóm này không có giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh cũng không thông qua giáo viên hay trường về kế hoạch này. “Trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm ở các lớp, cũng như tại cuộc họp trước đó với các giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường đã quán triệt, phổ biến rất rõ là không có thu chi nộp tiền, quỹ gì hết. Biên bản họp phụ huynh đầu năm của lớp 1/3 nộp về trường cũng thể hiện điều này, không nói gì đến việc đóng tiền”, ông Phong nói và cho biết, nhà trường sẽ làm việc với phụ huynh lớp 1/3 để chia sẻ thông tin, yêu cầu không triển khai kế hoạch thu, chi này.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Diệu, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cũng cho hay, nhà trường đã tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh vào ngày 2/10 vừa qua, nhưng các biên bản không có nội dung như bảng dự kiến thu chi này. Ông Diệu khẳng định, dự trù kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh của trường không có bất cứ khoản kinh phí nào dành cho thầy cô.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm trao đổi với cha mẹ học sinh của lớp và dừng ngay việc kêu gọi thu tiền như trên. Đồng thời yêu cầu giáo viên trao đổi với phụ huynh thực hiện theo nguyên tắc “Nhu cầu tới đâu thì thu tới đó”, đảm bảo việc thu đủ, chi đủ, cần dùng gì, chi vào hoạt động gì thì mới bàn với phụ huynh và thống nhất. “Vụ việc này là do ban đại diện cha mẹ học sinh tự làm nhưng là người đứng đầu trường, tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo phòng GD&ĐT, UBND quận đồng thời xin rút kinh nghiệm”, ông Diệu nói.
Oằn lưng gánh chịu
Một phụ huynh có con học lớp 1/3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho hay, nhìn bảng kê của ban đại diện cha mẹ học sinh tôi giật mình vì số tiền đóng góp lẫn dự kiến chi. “Trong lớp, mỗi em một hoàn cảnh, với những học sinh không có điều kiện thì khoản tiền này là quá lớn, là gánh nặng với bố mẹ các em. Mặt khác, tiền hỗ trợ giáo viên, bảo mẫu hằng tháng 3 triệu đồng là không thể chấp nhận được bởi như thế chả khác gì là lấy tiền phụ huynh trả lương cho cô”, phụ huynh này bức xúc nói.
Ngày 6/10, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản phê bình nghiêm khắc ông Nguyễn Quang Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, đồng thời đề nghị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các khoản thu đầu năm học chưa đúng quy định tại trường này. Trước đó, nhiều phụ huynh ở Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) phản ánh nhà trường đưa ra nhiều khoản thu bất hợp lý, dẫn đến số tiền đầu năm phải đóng lên đến gần 7 triệu đồng/phụ huynh. Sau khi dư luận phản ánh, ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh đã viết thư giải thích, mong phụ huynh “niệm tình bỏ qua”, đồng thời xin dừng nhận tài trợ.
Tương tự, một phụ huynh khác có con học Trường THCS Lê Qúy Đôn cũng tỏ ra vui mừng khi nhà trường đề nghị dừng các khoản thu đầu năm do ban đại diện cha mẹ học sinh lập. “Đồng ý là cần có hoạt động cho các con nhưng kiểu “chi mạnh, chi bạo ” như đại gia như vậy tạo gánh nặng cho các gia đình không có điều kiện”, phụ huynh này nói.
Trước tình hình loạn thu - chi đầu năm tại một số trường học, ngày 6/10, Sở GD&ĐT TPHCM đã có công văn khẩn, yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện các công văn của Bộ GD&ĐT, UBND TPHCM và của ngành GD&ĐT TP về việc triển khai hướng dẫn thu, sử dụng học phí và thu khác đầu năm học 2022 - 2023; đồng thời phải xây dựng dự toán các khoản thu khác theo nội dung hướng dẫn chuyên môn của ngành. Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Giãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng thời điểm, đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định. Đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT TPHCM nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa để thu các khoản ngoài quy định. Sử dụng kinh phí phải đúng mục đích và phải có sự thống nhất giữa hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị với ban đại diện cha mẹ học sinh.
Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Thủ Đức yêu cầu phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, phụ...
Nguồn: [Link nguồn]