Liên tiếp các vụ nữ sinh đánh nhau gây xôn xao dư luận
Chỉ tính từ đầu tháng 12/2022 đến nay, liên tiếp các vụ việc nữ sinh đánh nhau rồi tung clip lên mạng xã hội đã tiếp tục gióng hồi chuông báo động về nạn bạo lực học đường.
Liên tiếp các vụ nữ sinh đánh nhau
Chưa đầy 20 ngày, hàng loạt vụ học sinh đánh nhau, quay clip và được chia sẻ ngập tràn trên mạng xã hội đã khiến dư luận xôn xao… Điều đáng buồn là trong những vụ việc này, nhân vật chính lại là các nữ sinh.
Cụ thể, ngày 18/12, UBND huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đã chỉ đạo ngành chức năng xử lý vụ việc một nữ sinh bị đánh nhập viện. Nữ sinh bị đánh là Đ.N.G.T. (học lớp 7, Trường THCS Trương Định, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). Còn người đánh là Đ.T.T. (15 tuổi). Cả hai em cùng ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân.
Theo nội dung clip dược lan truyền trên mạng xã hội, mặc dù nạn nhân liên tục khóc và van xin nhưng vẫn bị đánh bầm tím người. Đáng nói là có rất nhiều nữ sinh khác chứng kiến vụ việc nhưng không có động thái can ngăn. Sau đó, Đ.N.G.T. được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận.
Theo ngành chức năng, vụ việc xảy ra vào chiều 17/12, sau giờ tan học. Nơi xảy ra vụ việc là khu vực sông Lu đoạn qua làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân.
Hình ảnh nữ sinh áo vàng bị đánh nhập viện. (Ảnh cắt từ clip)
Cũng trong ngày 18/12, trên mạng xã hội xuất hiện clip hai nữ sinh đánh nhau trước cổng trường. Theo đó, một nữ sinh mặc quần đùi, áo cộc tay cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu một bạn gái. Sự việc xảy ra ngay trước cổng trường, trước sự chứng kiến của rất nhiều học sinh, nhưng không ai vào can ngăn. Một số người chứng kiến còn reo hò cổ vũ, kích động cho những cô gái đánh nhau.
Ông Nguyễn Tài Toàn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) xác nhận, sự việc xảy ra giữa tháng 11/2022 tại cổng Trường THCS Phùng Giáo (xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc). Hai nữ sinh tham gia đánh nhau là học sinh trường này. Nguyên nhân vụ việc được xác định là quá trình đi tập văn nghệ hai nữ sinh xảy ra mâu thuẫn nên ra cổng trường đánh nhau.
Hình ảnh các nữ sinh đánh nhau được cắt từ clip.
Trước đó, ngày 1/12, ông Cao Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng cho biết, trên địa bàn xảy ra vụ việc một nữ sinh bị nhóm bạn hành hung. Nữ sinh bị đánh tên Đ.T.N. (lớp 11A4, Trường THPT Cao Thắng, thuộc địa phận xã Sơn Tây).
Người thân nữ sinh N. cho hay, khoảng 21h ngày 28/11, trên đường đi học thêm về, em bị nhóm bạn nữ vây đánh. Thấy vậy, nhiều người đi đường vào can ngăn thì vụ việc mới dừng lại.
Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng máu chảy, tụ máu mắt. Cũng theo người nhà, nguyên nhân xuất phát từ việc nữ sinh N. làm cán bộ lớp, một nữ sinh cùng lớp vi phạm nội quy nên bị N. chấm điểm. Bực tức, học sinh nữ này đã rủ bạn đánh hội đồng N.
Sau khi nắm được sự việc, Công an xã Sơn Tây đã vào cuộc, phối hợp với các đơn vị điều tra. Lãnh đạo Trường THPT Cao Thắng cũng đã làm việc với các học sinh liên quan để có hình thức xử lý.
Em N. bị tụ máu mắt sau khi bị bạn đánh. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Cần sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường và gia đình
Việc liên tiếp xảy ra các vụ nữ sinh đánh nhau đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường cần sớm được ngăn chặn. PGS.TS. Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng chia sẻ với báo chí, bạo lực học đường là một vấn đề xã hội mà tất cả chúng ta đều có chung trách nhiệm nhưng trường học phải đi đầu trong cuộc khủng hoảng này.
Trường học sẽ là người tiên phong, chịu trách nhiệm tổ chức và lôi kéo các bên tham gia. Nhà trường phải xác định được những trẻ có vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, những trẻ có nguy cơ bạo lực học đường thông qua bảng hỏi sàng lọc cảm xúc và những trải nghiệm mới xảy ra. Ví dụ: em có từng bị bắt nạt, em trở nên thu mình và trầm cảm; em lo lắng, em bị tẩy chay, em gặp rắc rối với việc kiểm soát hành vi; em đang có xích mích với những bạn ngoài nhà trường...
Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh công tác Tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Giáo viên cần chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu học sinh đến tham gia các hoạt động hỗ trợ. Triển khai nhiều hoạt động để tạo ra cảm giác gắn bó và thân thuộc với nhà trường. Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bột phát.
PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết thêm, các bậc phụ huynh cần quan tâm chú ý con để nhận ra các dấu hiệu con stress hoặc lo lắng. Hãy chia sẻ những lời nhắn nhủ đến con khi con đến trường.
Đồng quan điểm, để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội khuyến nghị: Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành với các em. Từ đó kịp thời uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử.
Nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực.
Khi trẻ bị bạo lực học đường, phụ huynh nên tiếp cận nhà trường sớm nhất có thể thay vì gặp trực tiếp, hành hung lại học sinh đánh con mình.
Nguồn: [Link nguồn]