Lên chùa học chữ, học làm "người"

Ngôi chùa Bát Phúc nằm khuất trong thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) cứ đến cuối tuần lại rộn ràng tiếng trẻ thơ học chữ.

Ngôi chùa Bát Phúc nằm khuất trong thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) cứ đến cuối tuần lại rộn ràng tiếng trẻ thơ học chữ. Lớp học phụ đạo được các sư thầy ở chùa Bát Phúc mở gần hai tháng, nhưng đã có hơn 300 em học sinh đến đăng ký tham gia. Lớp phụ đạo trong chùa không chỉ giảng dạy những kiến thức văn hóa cơ bản, mà còn tạo cho các em nếp sống kỷ cương, nền nếp và biết kính trên, nhường dưới.

Học đạo làm người

Cứ đến cuối tuần, ông Nguyễn Tiến Hồi, thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập lại dẫn cháu nội Nguyễn Tiến Thành lên chùa để học chữ. Cũng như ông Hồi, không ít các gia đình trong xã đều cho rằng, việc đăng ký cho con, cháu cuối tuần lên chùa học không những củng cố kiến thức văn hóa, mà tạo cho các cháu một không gian vui chơi lành mạnh và học thêm rất nhiều kiến thức về giáo lý. Ông Hồi cho biết: “Hằng tuần, chúng tôi đưa các cháu ra chùa học văn hóa và học tập thêm tư cách đạo đức và để các cháu có nền tảng tốt, sau này các cháu trở thành người có ích cho xã hội”.

Được biết, lớp học được nhà chùa mở trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Các cháu học sinh trên địa bàn đến đây được học miễn phí và học theo trình độ của mình. Ba tuần đầu trong tháng, các cháu được học: Toán, Tiếng Việt, Tập viết, Tiếng Anh và Kỹ năng sống. Tuần cuối của tháng, các cháu sẽ được học giáo lý với tư tưởng cơ bản là hướng thiện và cùng nhau tụng kinh để học sự tĩnh tâm và cầu sự bình an. Qua mỗi buổi học thế này, các cháu nhỏ đã biết cách ngồi tịnh tâm, xưng hô lễ phép với người lớn, bạo dạn hơn ở chỗ đông người. Kết thúc khóa học giáo lý nhà Phật vào buổi sáng, các cháu sẽ ăn trưa tại chùa. Những bữa cơm chay nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều bài học, cho các cháu thấy được giá trị của hạt gạo, biết quý trọng những gì mình đang có và hơn thế các em biết cách chia sẻ tình yêu thương.

Lên chùa học chữ, học làm "người" - 1

Một giờ lên lớp của sư thầy Thích Diệu Bản, chủ trì chùa Bát Phúc

Đây là điều kiện tốt cho các em có một nơi học tập, một sân chơi lành mạnh vào những ngày cuối tuần để tránh những tệ nạn xã hội. Có một môi trường tốt các em sẽ học tập lẫn nhau, tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Chính những thói quen, nếp sống tốt này các em sẽ trở thành con người hoàn thiện hơn.

Tận tụy với học sinh

Được biết, tất cả các thầy giáo, cô giáo dạy học ở lớp học đặc biệt này đều là những người nhiệt tình, thiện tâm, trong đó có không ít sinh viên tình nguyện của nhiều trường đại học. Phạm Thị Liên Sinh, viên năm thứ 3 Trường Đại học Công nghiệp đã đến dạy từ những ngày đầu tiên tâm sự: “Việc dạy ở chùa rất là ý nghĩa vì mình đã làm một việc có ý nghĩa với xã hội. Các cháu học sinh đến chùa học không những được củng cố kiến thức về văn hóa mà còn được rèn luyện tính nhẫn nại, biết lắng nghe”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lợi, trưởng công an xã Tân Lập cho biết: Theo nguyện vọng của nhà chùa và nhân dân trong xã, chúng tôi rất ủng hộ lớp học mang nhiều ý nghĩa nhân văn này. Những thầy, cô giáo đến đây dạy đều tự nguyện và rất nhiệt tình với  học sinh. Tuy chỉ hoạt động vào hai ngày cuối tuần, nhưng lớp học này đã khiến các cháu nhỏ trong xã thích thú, kết quả học tập của các cháu cũng tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, các bậc phụ huynh phải đi làm cả cuối tuần không còn lo lắng con  ở nhà không có ai quản lý, chăm sóc.

Mặc dù, lớp học mới được mở, nhưng ngay từ những ngày đầu số lượng học sinh đến đã rất đông, có buổi lên tới vài trăm học sinh. Chính vì vậy, nhà chùa đã tận dụng mọi không gian để sắp xếp chỗ học cho các cháu. Sân chùa, nhà Tổ, nhà mẫu, phòng khách đều được sử dụng làm nơi dạy học. Không kê được bàn ghế thì lấy kệ Kinh làm bàn. Mặt khác, do số lượng học sinh khá đông và gồm nhiều cấp học khác nhau, nên việc phân bổ lớp và thời gian cũng được các cô giáo đặc biệt quan tâm.

Sư thầy Thích Diệu Bản, chủ trì chùa Bát Phúc chia sẻ: Vào ngày thứ 7 và chủ nhật các cháu học sinh được nghỉ học, còn cha mẹ đều đi làm không có thời gian chăm sóc. Nhà chùa mở lớp học nhằm tạo cho các cháu có một sân chơi lành mạnh, không bị sa vào các tệ nạn xã và để cho các cháu có một con đường hướng thiện trong tương lai.

Bước chân vào chốn thanh tịnh, các cháu sẽ được học cách nghĩ về điều thiện và sẽ có những hành xử rất nhân văn. Chính những việc làm này đã từng ngày hình thành nhân cách, giúp các cháu có những suy nghĩ và hành động đẹp để bước tiếp những bước đường phía trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Trang – Nguyễn Thủy (Quân đội nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN