Lãng phí vì hướng nghiệp sai

Chỉ 5% học sinh hiểu biết về ngành mình chọn thi ĐH, 20% hiểu một cách tương đối và 75% không biết gì, theo một cuộc khảo sát tại TP HCM.

So với bạn bè trong lớp an ninh mạng năm nhất Trường CĐ Nghề Công nghệ thông tin (CNTT) iSpace, Đinh Quốc Phong (quê An Giang) thuộc lớp đàn anh bởi Phong sinh năm 1989 và từng tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng ở Trường ĐH An Giang.

Bỏ ĐH theo trường nghề

Phong bảo em thích ngành CNTT. Lúc đầu, em tính thi vào ngành này ở Trường ĐH Cần Thơ nhưng ba má không đồng ý và ép em thi vào ngành tài chính ngân hàng. “Vì là con một, không nỡ làm bố mẹ buồn nên em phải học ngành mình không thích” - Phong kể.

Lãng phí vì hướng nghiệp sai - 1

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP HCM) tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức năm 2013
Ảnh: Tấn Thạnh

Bốn năm học ĐH là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với Phong. Năm 2011, Phong tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại trung bình và em bắt đầu gõ cửa xin việc ở nhiều ngân hàng nhưng chờ mãi không thấy nơi nào gọi phỏng vấn. Chán nản, Phong xin đi làm cho một siêu thị tại An Giang. Làm được một thời gian thì đến tháng 4-2013, Phong quyết định lên

TP HCM đăng ký học nghề an ninh mạng. “Đi học nghề, ba mẹ cũng không hài lòng lắm nhưng biết làm sao được vì em đã học ĐH rồi mà không xin được việc. Giờ em được học nghề mà em thích. Đó là tâm nguyện của em!” - Phong nói.

Nhiều bạn trẻ đang học ĐH bỗng nghỉ ngang, chuyển sang học nghề khi nhận ra ngành mình chọn không phù hợp. Lê Thị Nhung (quê Khánh Hòa) là một ví dụ. Năm 2010, Nhung thi đậu vào ngành địa chất của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM). Học được 2 năm, Nhung thất vọng vì ngành mình đang học không phải như những gì em đã nghĩ. Thế là Nhung bỏ học đi làm công nhân để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Tháng 4-2013, Nhung đăng ký học nghề thiết kế đồ họa tại một trường CĐ nghề. Nhung chia sẻ: “Giờ nghĩ lại công sức 2 năm đi học ĐH thấy cũng tiếc nhưng lúc đó, em kiên quyết nghỉ học chứ theo học mãi cái ngành mà mình không thích thì càng lãng phí hơn. Giờ em đi học nghề này là đúng với nguyện vọng và sở thích của em”.

Trong lớp thiết kế đồ họa của Nhung cũng có khá nhiều bạn từng học ĐH nhưng đã chuyển sang học nghề.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), cho biết: Mỗi năm, cả nước có hơn 1 triệu lượt học sinh thi ĐH, CĐ. Trong đó, hơn 400.000 em đạt nguyện vọng này và khoảng 370.000 chọn vào các trường dạy nghề. Hơn 1/3 thí sinh chờ kỳ thi năm sau.

Khi chọn ngành nghề, học sinh thường chạy theo ngành thời thượng như có nhu cầu việc làm nhiều và lương cao chứ không phải theo năng lực, sở thích. Vì lẽ đó, nhiều sinh viên đang học dở ĐH hay ra trường rồi mới nhận ra ngành mình đã chọn không phù hợp.

Một cuộc thăm dò của Falmi mới đây cho thấy chỉ khoảng 5% học sinh hiểu biết về ngành mình chọn học, 20% hiểu một cách tương đối và đến 75% hoàn toàn không biết gì.

“Chẳng biết tìm ai để được tư vấn!”

Đó là tâm sự của nhiều học sinh khối 12 của Trường THPT Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình) trong buổi tham quan hướng nghiệp tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM mới đây. Các em cho biết rất cần tìm hiểu nghề nghiệp cho tương lai nhưng không biết tìm thông tin ở đâu, tìm ai để được tư vấn chọn nghề.

Theo bà Trần Thị Kim Quy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thanh Bình, năm nay trường tổ chức cho học sinh đi tham quan hướng nghiệp tại các trường ĐH nhằm giúp các em nhìn nhận cụ thể hơn về nghề nghiệp trong tương lai.

Trong trường phổ thông, công tác hướng nghiệp đã được Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình và tiến hành theo 4 hướng là thực hiện đồng bộ qua việc dạy các môn văn hóa, dạy lao động kỹ thuật và lao động sản xuất; sinh hoạt hướng nghiệp và hình thức ngoại khóa. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp này vẫn chưa đạt hiệu quả.

Tại hội thảo về công tác hướng nghiệp do Sở GD-ĐT TP HCM vừa tổ chức, đại diện của sở nhận định công tác hướng nghiệp cho học sinh rất khó khăn bởi giáo viên hướng nghiệp không được đào tạo bài bản nên còn hạn chế khi tư vấn cho các em. Điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí hạn hẹp nên nhà trường không thể đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác hướng nghiệp. Vì vậy, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp chỉ dừng ở lý thuyết.

Trong khi đó, việc lồng ghép vào các môn học cũng không dễ. Nhiều giáo viên bộ môn thậm chí không thể giới thiệu cho học sinh về một nghề hoặc ngành học liên quan vì việc truyền thụ nội dung trọng tâm của môn vốn đã chịu áp lực rất lớn về thời gian.

Hướng đi mới của công tác hướng nghiệp hiện nay như đưa học sinh đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu, tham gia giao lưu, học hỏi về quy trình sản xuất... được xem là thuyết phục hơn nhưng cũng khó thực hiện. Bởi việc làm này đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn tài chính và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường đối với công tác hướng nghiệp. 

Cần hướng nghiệp từ bậc THCS

Theo ông Trần Anh Tuấn, công tác hướng nghiệp ở trường học cần giúp học sinh chọn lựa và phát triển nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân; hiểu được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội; phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân và kinh tế địa phương… Việc hướng nghiệp cho học sinh hiện nay gần như chỉ tập trung cho học sinh khối 12 trong khi lẽ ra cần chuẩn bị từ sớm, ngay từ bậc THCS, để các em có định hướng rõ ràng nếu không chuyển tiếp lên THPT thì chuyển sang học nghề.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN