Làn sóng du học ở tuổi xế chiều

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trung Quốc - Ngày càng nhiều người trung niên du học để có những trải nghiệm mới trong cuộc sống và nâng cao trình độ.

Wang Xiaoxi, 57 tuổi, hiện là sinh viên chuyên ngành khảo cổ học, lịch sử và văn học Hy Lạp cổ đại tại Đại học Quốc gia và Kapodistrian Athens, Hy Lạp. Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, kèm khóa học bổ sung về tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh.

"Khi nộp đơn, tôi không chắc mình có thể hoàn thành khóa học ở tuổi này hay không. Nhưng nếu không thử, tôi sẽ không bao giờ biết được", Wang nói.

Jia Daming, 50 tuổi, vừa lấy bằng thạc sĩ Giáo dục tại Đại học Sydney (Australia), cho hay ban đầu bị bố mẹ và bạn bè phản đối.

"Họ cảm thấy rằng ở độ tuổi này không cần học tập nữa", ông kể. Một số người bạn nói rằng ông đã ở đỉnh cao trong lĩnh vực của mình, nêu ra những khó khăn như chi phí du học cao để thuyết phục Jia từ bỏ.

"Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu muốn duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, tôi cần nâng cao trình độ học vấn của mình", Jia nói.

Wang Xiaoxi (áo hồng) trao đổi với các bạn cùng lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp/Global Times

Wang Xiaoxi (áo hồng) trao đổi với các bạn cùng lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp/Global Times

Ngày càng nhiều người như Wang và Jia. Theo Jiemian News, du học không chỉ dành cho người trẻ mà ngày càng tăng ở người trung niên và cao tuổi. Dữ liệu từ một công ty giáo dục tư nhân tại Trung Quốc cho thấy tỷ lệ người trên 50 tuổi tham gia các chương trình du học của họ vào khoảng 3% vào năm 2019. Con số này đã tăng vọt lên 20% vào năm ngoái.

Chuyên gia nhìn nhận khi giáo dục trọn đời trở thành xu hướng, người già không còn hài lòng với các lớp học dành ở trong nước nữa. Họ hướng đến những cơ hội rộng mở hơn ở nước ngoài để khám phá bản thân và có những trải nghiệm mới. Những điểm đến được ưa chuộng gồm New York, Boston (Mỹ), London (Anh) và Malta.

Tuy nhiên, so với những người ở độ tuổi đôi mươi, du học sinh lớn tuổi gặp nhiều khó khăn hơn.

Wang nói ngay cả khi có nền tảng giáo dục tốt, bà vẫn thấy có rất nhiều "ngọn núi phải leo" trong quá trình học ở nước ngoài. Trước khi học kỳ bắt đầu, Wang đã chuẩn bị nhiều thiết bị điện tử, như máy ghi âm, iPad và máy đọc sách Kindle.

"Nhưng tuần đầu tiên, tôi loay hoay không biết nên nhấn nút nào để bật và giảm âm lượng. Tôi chỉ có thể gõ bằng hai ngón tay và không thể gõ đủ nhanh để theo kịp tốc độ nói của giáo sư", Wang nhớ lại.

Giảng viên nói tiếng Anh giọng Hy Lạp nên ngay cả khi dùng máy ghi âm rồi nghe lại, bà vẫn không hiểu. Vì vậy, một lần, bà không biết mình phải chuẩn bị cho một bài kiểm tra trên lớp. Trong bài kiểm tra đó, Wang chỉ đạt 40/100 điểm và bị con gái "phê bình".

"Tôi nhanh chóng biến nỗi buồn thành động lực để học. Sau giờ học, tôi chép, dịch, hiểu và ghi nhớ từng từ trong slide bài giảng của giáo sư. Mặc dù phải mất rất nhiều công sức, nhưng kết quả khá xứng đáng", Wang chia sẻ. Sau đó, bà đạt 92/100 điểm trong bài kiểm tra ở lớp khảo cổ học.

Jia Daming tại Đại học Sydney, Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp/Global Times

Jia Daming tại Đại học Sydney, Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp/Global Times

Wang kể từ khi du học, bà cảm thấy mỗi ngày đều trọn vẹn và luôn sống trong hiện tại, khác với trước.

Còn Jia cho biết vào đầu năm học, nhiều bạn cùng lớp gọi anh là "chú Jia", nhưng sau này, họ gọi Jia là "anh". Jia đã có nhiều trải nghiệm ý nghĩa với những người bạn trẻ tuổi của mình.

Du Liping, hơn 50 tuổi, đến Paris học tiếng Pháp cách đây vài tháng, nói cảm thấy như thể mình đột nhiên trở lại tuổi đôi mươi, nhưng là một phiên bản giàu trải nghiệm hơn.

"Cuộc sống của tôi bây giờ vô cùng đáng sống", Du nói. "Giai đoạn thú vị nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ không còn là những năm tháng từ 16 đến 25, mà toàn bộ cuộc đời của họ tràn ngập những khả năng vô hạn".

Chuyện về những du học sinh giỏi và thành công luôn vẽ lên bức tranh tươi sáng khiến nhiều người ngưỡng mộ và coi là đích đến. Nhưng có một góc tối -...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Linh (Theo Global Times) ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN