Lần đầu Việt Nam có đại học vào TOP 700 thế giới theo US News
US. News (usnews.com) vừa công bố danh sách các đại học (ĐH) hàng đầu thế giới năm 2020. Trong đó, Trường ĐH Đức Thắng (TDTU) được xếp thứ 623 thế giới và số 1 Việt Nam.
Đây là thành quả của hơn 23 năm phát triển theo con đường tự chủ đại học, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Riêng về nhóm ngành kỹ thuật, TDTU được xếp thứ 260 thế giới; thứ hạng cao nhất về nhóm ngành từ trước đến nay của trường này.
Theo đó, trong bảng xếp hạng năm nay của US.News, tổng cộng có 4 ĐH/ trường ĐH của Việt Nam được xếp hạng như: ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ 949, ĐH Quốc gia TP.HCM xếp thứ 1.271 và ĐH Bách khoa Hà Nội xếp thứ 1.356.
Trong khu vực ASEAN có ĐH hoàng gia Chulalongkorn (Thái Lan) hạng 516, ĐH Mahidol (Thái Lan) hạng 511, ĐH Malaya (Malaysia) hạng 205…
Theo nhà trường, 13 năm trước, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đặt mục tiêu sẽ vào TOP 500 thế giới (như ĐH hoàng gia Chulalongkorn của Thái Lan) trong vòng 30 năm. ĐH Chulalongkorn từng là niềm cảm hứng cho lãnh đạo nhà trường đặt mục tiêu phát triển.
Kết quả, chỉ sau 13 năm đi đúng hướng và quản trị xuất sắc, thực hiện tự chủ một cách kiên định, TDTU đã đi rất gần đến vị trí của ĐH Chulalongkorn.
Thông tin kết quả từ bảng xếp hạng. Ảnh: NTCC
Được biết, US.News được nhiều người biết đến nhất ở Mỹ vì nó ra đời cách đây gần 30 năm và đã phát triển thành cả một hệ thống gồm rất nhiều bảng đánh giá. Đây đang được coi là bảng xếp hạng uy tín nhất của Mỹ về phương diện học thuật và xếp hạng các ĐH xuất sắc trên toàn thế giới mà người học rất đáng nên chọn để học.
Mỗi năm, US.News chỉ chọn 1.500 đại học xuất sắc nhất thế giới trong tổng cộng hơn 30.000 ĐH để giới thiệu cho người học ở Mỹ và toàn cầu về những trường nên theo học, vì lợi ích và tương lai của họ.
Đây là bảng xếp hạng Balance (theo kiểu đối sánh) và thuộc dạng khách quan nhất. Nó không quá thiên về học thuật như hệ thống xếp hạng ARWU, không quá thiên về khảo sát chủ quan Reputation (đánh giá uy tín) như hệ thống QS hay THE. Tất cả dữ liệu đều do họ tự thu thập chứ không yêu cầu các ĐH cung cấp.
Các tiêu chí xếp hạng này bao gồm: sự đa dạng các lĩnh vực học thuật của trường ĐH như danh tiếng học thuật trên thế giới và trong khu vực, các hội thảo, xuất bản sách, số bài báo công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn, hợp tác quốc tế…
Sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng tự học và tìm kiếm tài liệu tại thư viện. Ảnh: LÊ PHÚC
Trước đó, ngày 5-8 vừa qua, Hệ thống xếp hạng đại học thế giới Academic Ranking of World Universities (ARWU) cũng đã công bố kết quả xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020.
Trong đó, trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường ĐH duy nhất của Việt Nam tiếp tục được vào trong bảng xếp hạng này và được xếp Top 701-800 thế giới, tăng ít nhất 200 bậc so với năm 2019 (là 901-1000).
Đây là minh chứng đúng đắn của việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học mà Đảng và nhà nước đã quyết định. Đồng thời, cũng cho thấy, một ĐH coi trọng phát triển đồng bộ tất cả các mặt và tất cả các nhiệm vụ mang tính bản chất của đại học, không ngừng chuẩn hóa hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, thì việc được xếp hạng cao đồng loạt ở nhiều bảng xếp hạng uy tín của quốc tế (với mỗi bảng có các tiêu chí khác nhau) là kết quả tất yếu của một quá trình kiên trì.
Nguồn: [Link nguồn]
Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (số 19 đường Lê Thánh Tông) mang một nét kiến trúc cổ điển rất riêng giữa những...