Làm tròn đến 0,25 có thiệt thòi cho thí sinh?
Đợt tuyển sinh ĐH năm nay có khá nhiều điều khiến thí sinh bức xúc, từ việc làm tròn điểm đến xét các tiêu chí phụ.
Trong đợt tuyển sinh ĐH năm nay, thí sinh Võ H. H. ở quận Tân Bình đăng ký nguyện vọng lần lượt: nguyện vọng 1 vào Y đa khoa của trường ĐH Y Dược TP.HCM; NV2 vào ngành Y đa khoa của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; NV3 vào Y đa khoa của Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) và NV4 vào Y đa khoa của ĐH Y Dược Cần Thơ.
Kết quả kỳ thi THPT của thí sinh H. các môn là Toán 9,6 điểm; Hóa 9,75 điểm; Sinh 10 điểm; Tiếng Anh 8,8 điểm; Ngữ văn: 8 điểm và Vật lý 7,25 điểm. Tổ hợp xét tuyển khối B của H. là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không có điểm cộng).
Tuy nhiên, theo kết quả mà trường ĐH Y dược TP.HCM công bố, thí sinh này không trúng tuyển vào trường.
Theo quy tắc làm tròn điểm, điểm của nam sinh này giảm xuống còn 29,25 điểm. Tuy nhiên, trước đó trong đề án tuyển sinh của nhà trường cũng đã công bố trường hợp số lượng thí sinh đạt điểm chuẩn để được tuyển vượt quá số lượng dự kiến, nhà trường áp dụng các điều kiện phụ lần lượt theo thứ tự: Dựa vào điểm môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT và kết quả thi THPT các môn sau để xét tuyển từ cao xuống thấp: môn Hóa học cho ngành Dược học và môn Sinh học cho các ngành còn lại.
Khi áp dụng cụ thể, nhà trường xét tiêu chí phụ 1 là môn Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên; tiêu chí 2: Sinh (với ngành Y) từ 9,75 điểm). Chính vì thế, do điểm thi môn Tiếng Anh của thí sinh H. chỉ 8,8 điểm nên nam sinh này trượt nguyện vọng một.
Thí sinh này và gia đình bức xúc cho rằng vì điểm gốc là 29,35 cao hơn điểm chuẩn nhưng lại bị trượt nguyện vọng 1. Trong khi các thí sinh khác đạt 29,15 điểm cũng được làm tròn lên 29,25 thì lại có khả năng đỗ.
Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một thí sinh thi vào ngành Tự động hóa, có điểm thi là 27,30, trong khi đó điểm chuẩn ngành chỉ có 27,25 nhưng em vẫn trượt nguyện vọng 1. Bởi khi làm tròn điểm thi theo nguyên tắc 0,25 điểm thì thí sinh này bị xuống điểm còn 27,25 đến khi xét tiêu chí phụ môn toán nhân đôi thì lại trượt. Còn những thí sinh điểm thấp hơn được hưởng tiêu chí phụ lại đỗ nguyện vọng 1.
Theo quy định của Bộ GDĐT, điểm xét tuyển đại học là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển do trường quy định cho ngành đó, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai số thập phân, sau đó làm tròn theo bước 0,25.
Cụ thể, lấy 0,25 chia 2, nếu điểm dưới mức này thì làm tròn xuống mức dưới, trên mức này thì làm tròn lên mức trên. Như vậy, số điểm thí sinh được tăng hoặc bị hạ khi làm tròn sẽ không quá 0,125.
Với mặt bằng kết quả thi cao như năm nay, quy định làm tròn đến 0,25 đã dẫn đến việc quá nhiều thí sinh có cùng một mức điểm, nhất là ở những ngành "hot". Việc các trường đã phải sử dụng rất nhiều tiêu chí phụ, có trường thậm chí có tới 4 tiêu chí phụ (như Trường ĐH Y Hà Nội) để loại bớt thí sinh cho thấy quy định làm tròn điểm rõ ràng đang ảnh hưởng tới thí sinh và việc xét tuyển, bởi đã có nhiều trường hợp thí sinh có điểm số thấp hơn vẫn đỗ còn thí sinh có điểm cao hơn lại trượt.
Theo lãnh đạo một số trường ĐH, việc làm tròn điểm này không phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm, việc quy đổi điểm là bất hợp lý, Bộ GDĐT nên để cho các trường đại học công bố nguyên trạng điểm thi của thí sinh để đảm bảo sự công bằng.
Bên cạnh đó, hiện nay việc tính điểm và xác định tiêu chí phụ giữa các trường đại học không đồng nhất khiến thí sinh như bị quay mòng mòng trong ma trận điểm thi. Bộ nên tính toán lại cách tính điểm xét tuyển cũng như thang điểm cho mùa tuyển sinh năm sau.
Cùng với đó, việc cộng điểm ưu tiên tối đa lên đến 3,5 điểm cũng là một bất hợp lý khá lớn. Theo quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GDĐT trong nhiều năm qua, thí sinh có thể được cộng đến 3,5 điểm từ ưu tiên đối tượng, khu vực. Mặc dù chính sách này là cần thiết nhưng nhiều trường cũng cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu lại cho sát thực tế và đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Có thể nhận thấy với những ngành như công an, quân đội hay y, những thí sinh khu vực 3 dù có điểm số rất cao nhưng cũng không thể “đấu” lại các thí sinh có điểm thấp hơn nhưng được cộng đến 3,5 điểm ưu tiên. Chính sách cộng điểm theo khu vực đã không còn chính xác tuyệt đối, một số địa phương được cộng điểm thực tế đã có điểm trung bình cao hơn cả những khu vực không ưu tiên, đã đến lúc cần phải rà soát lại, nghiên cứu để sát với thực tế hơn và xem mức điểm ưu tiên như thế nào phù hợp với cải cách thi cử.
“Một kỳ thi phải sử dụng quá nhiều tiêu chí phụ để xét tuyển thì có thể cho thấy khâu ra đề đã thất bại hoàn...