Làm thuê từ bé, nữ sinh đạt 30 điểm khối C
Đỗ thủ khoa khối C với số điểm 30, Nguyễn Thị Kim Ngân đã thực hiện ước mơ được vào học chuyên ngành điều tra trinh sát, Học viện An ninh. Ngoài thời gian đi nhặt rau, rửa bát thuê, cô nữ sinh nghèo thường gửi gắm tình cảm của mình vào những trang thơ.
Ngân (giữa) luôn là nhân viên mẫn cán của nhà hàng. Ảnh: Duy Chiến.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 Ngân đạt điểm số đáng nể: Văn 9,25; Sử 9,5 và Địa 9,75; ngoài ra, em còn được cộng điểm ưu tiên khu vực và điểm thưởng học sinh giỏi quốc gia, tổng điểm xét tuyển của Kim Ngân là 30. Ngân trở thành thủ khoa khối C ở cụm thi số 17 do Đại học Xây dựng (Hà Nội) chủ trì.
Đi làm thuê từ năm lớp 6
Ngân sinh ra trong gia đình nghèo ở ngõ 2, đường Phai Luông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Bố mẹ Ngân đều sắp đến tuổi 50, không có việc làm ổn định, khi thì đi thu gom rau ở chợ giếng Vuông (TP Lạng Sơn) về chăn nuôi lợn, khi thì làm đậu phụ bán rong ngoài hè phố.
Là con thứ hai trong ba chị em gái, Ngân sớm ý thức được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ. Cô kể lại: “Hàng đêm thấy bố mẹ xắn quần áo tất tả với nồi cám lợn, em còn nhỏ tuổi chỉ xin đỡ đần bằng cách thái rau, nhưng bố mẹ không cho. Vì thế, em học bài cùng cha mẹ, có hôm đến rạng sáng”.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 Ngân đạt điểm số đáng nể: Văn 9,25; Sử 9,5 và Địa 9,75. Ngân còn được cộng điểm ưu tiên khu vực và điểm thưởng học sinh giỏi quốc gia, tổng điểm xét tuyển là 30. |
Thương bố mẹ nghèo, Ngân đến quán ăn vịt cỏ Vân Đình ở cuối đường Hùng Vương (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn) xin phụ giúp, lấy tiền công. Bà chủ thấy cô bé nhỏ thó, bèn hỏi tuổi thì được biết Ngân đang học lớp 6 (năm 2009), nên động viên em trở về nhà.
Buổi chiều tối, lúc đông khách, bà chủ lại thấy Ngân đang ngồi lẫn các nhân viên phục vụ hí húi nhặt rau ở gian bếp. Biết không thể “đuổi” được cô bé nên bà đành để Ngân ở lại và chỉ cho em làm những việc nhẹ nhàng.
Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, Kim Ngân cho biết, em đã gắn bó quán ăn khoảng 7 năm, được trải nghiệm cuộc sống và cũng có tiền để mang về giúp bố mẹ nuôi cả nhà 5 miệng ăn. “Mỗi tháng em được trả 3 triệu đồng tiền công, ngoài ra những ngày lễ, tết được bà chủ thưởng thêm, thế là được những khoản tiền kha khá. Bố mẹ nói sẽ mua chiếc điện thoại cho em nhưng em từ chối”. Ngân nói.
Thủ khoa Nguyễn Thị Kim Ngân.
Học giỏi, làm thơ hay
Ngoài thời gian làm việc ở quán ăn, Ngân tranh thủ đi lấy rau lợn về để nấu cám nuôi hơn 20 con lợn trong chuồng, còn lại dành thời gian để học bài. Kết thúc cấp THCS, Ngân đỗ vào Trường THPT chuyên Chu Văn An (TP Lạng Sơn) với điểm số cao rồi được tham gia vào đội tuyển Văn của nhà trường. Năm 2015, Kim Ngân đoạt giải khuyến khích quốc gia môn Văn.
Bà Hoàng Thị Thu (mẹ Ngân) cho biết: “Ngân là cô bé rất có cá tính, thương yêu bố mẹ nhưng giấu kỹ trong lòng. Hôm đi thi học sinh giỏi môn Văn quốc gia đúng lúc ông ngoại mất; khi biết tin Ngân xin tôi thắp nhang cho ông rồi hứa quyết tâm thi tốt”.
Cô giáo Hoàng Khánh Xuân (giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Lạng Sơn) nhận xét: Ngoài chăm ngoan, học giỏi; Ngân còn là thành viên CLB “Hoa học trò” của nhà trường. Trong các kỳ ngoại khóa, Ngân thường trình bày các bài thơ mà mình sáng tác, mới đây bài thơ “Nơi mùa thu bắt đầu” đã đoạt giải A.
Ngân làm nhiều thơ về gia đình, bố mẹ, thầy cô và đã được in trên một số báo trung ương và địa phương. “Ngày thơ rằm Nguyên tiêu 2016, em vinh dự được đọc một bài thơ trong chương trình Biển và biên giới - hải đảo cùng các văn nghệ sỹ Lạng Sơn. Sau đó, ban tổ chức gửi tiền nhuận bút, em nhờ bố mẹ giữ hộ để mai này nhập học Học viện An ninh có tiền trang trải việc ăn, học”. Ngân nói.
Nguyễn Thị Kim Ngân tâm sự: “Năm ngoái, em đi thi Học viện an ninh nhưng thiếu gần một điểm và đỗ nguyện vọng 2 vào Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội (thừa 10 điểm). Tuy thế, em vẫn quyết tâm thi lại để nuôi hy vọng được làm một nữ điều tra an ninh, góp phần giữ vững bình yên nơi biên cương Tổ quốc.