Lạm thu, nỗi ám ảnh của phụ huynh

Việc huy động các nguồn lực từ xã hội đóng góp cho giáo dục (xã hội hóa) cũng dẫn đến những biến tướng khi nhiều khoản thu “núp bóng” danh nghĩa tự nguyện, hỗ trợ…

Trước thềm năm học mới, chúng tôi tổng hợp lại những dạng lạm thu từng gây bức xúc trong dư luận để phụ huynh hiểu rõ hơn. Đồng thời, các bậc phụ huynh hãy phản ánh với chúng tôi khi nhận thấy có những khoản thu bất hợp lý trong trường học trong thời gian sắp tới.

Năm học 2013-2014, TP.HCM sẽ áp dụng khung học phí mới, cao hơn 3-6 lần. Tuy nhiên, mức thu này có xóa bỏ được tình trạng lạm thu hay không vẫn là dấu hỏi đang chờ thực tế trả lời.

Choáng với “thư ngỏ”

Đầu tháng 9/2012, trước khi diễn ra cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhiều phụ huynh có con học ở một lớp 1 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức, TP.HCM bất ngờ nhận được “thư ngỏ” từ ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) của lớp về việc đóng góp tiền để mua tivi lớn và đầu xử lý máy vi tính với giá 25 triệu đồng. Riêng khoản này, dự kiến mỗi phụ huynh phải góp 500.000 đồng.

Không chỉ mua máy móc, những khoản khác như sửa chữa lớp, lát gạch, mua quạt, mua tủ… cũng được đại diện các lớp huy động phụ huynh đóng góp khiến họ không đồng tình.

Ngay khi phụ huynh phản ánh, nhà trường phải báo cáo giải trình sự việc với lãnh đạo quận. Đồng thời, trường tổ chức họp gấp với phụ huynh các lớp liên quan để tìm hiểu và lấy ý kiến. Kết quả, việc làm này trái với quy định ngành giáo dục, với nguyên tắc xã hội hóa nên buộc trưởng ban đại diện cha mẹ HS các lớp trả lại các khoản đã thu sai và phải công khai xin lỗi phụ huynh.

Lạm thu, nỗi ám ảnh của phụ huynh - 1

Nỗi ám ảnh của phụ huynh

Phụ huynh của Trường Mầm non Phước Bình, quận 9 cũng bức xúc phản ánh với báo chí về việc đầu năm học nhận được thư ngỏ đề nghị đóng khoản tiền “nâng cao chất lượng” với mức 200.000-300.000 đồng. Tuy không bắt buộc nhưng lại có lưu ý “ai không đóng thì ghi ý kiến vô giấy” làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và HS.

Chẻ khoản, thu cao

Điểm mới trong năm học 2012-2013 vừa qua, TP.HCM không thu tiền cơ sở vật chất. Thêm vào đó, nhiều khoản thu bán trú sẽ không được ấn định mức chung mà do phụ huynh thỏa thuận với nhà trường để đưa ra mức thu theo từng địa bàn quận/huyện như tiền ăn uống, cơ sở vật chất bán trú, tổ chức bán trú, vệ sinh… Như Trường Trung học bán công Nam Sài Gòn (quận 7) dù đã có khoản tiền hỗ trợ học đường rất cao 550.000 đồng/tháng thì trường này lại thu thêm tiền sử dụng máy lạnh 27.000 đồng/tháng, tiền giao lưu với người nước ngoài 145.000 đồng/tháng... Hay ở Trường Mầm non Bến Thành (quận 1), nhiều phụ huynh ngạc nhiên trước các khoản phí yaourt 72.000 đồng/tháng, phí phục vụ yaourt 30.000 đồng/tháng, giặt nệm gối 10.000 đồng/tháng… Nhiều trường còn có thêm các khoản như chăm sóc cây xanh, bảo trợ học đường…

Đầu năm học 2012-2013, phụ huynh Trường Tiểu học Bắc Sơn (Thanh Hóa) từng choáng váng khi nhà trường đưa ra 21 khoản thu với tổng số tiền 4,3 triệu đồng/HS. Trong đó có nhiều khoản thu lạ, chẻ nhỏ từ nhiều khoản khác nhau như ủng hộ trống đội 10.000 đồng, nước máy 70.000 đồng, vệ sinh công cộng 100.000 đồng, bảo vệ 30.000 đồng, điện sáng 100.000 đồng, kế hoạch nhỏ 10.000 đồng, ủng hộ loa đài 100.000 đồng, lao động hằng ngày 60.000 đồng/năm,…

Đủ kiểu tự nguyện, hỗ trợ…

Tương tự, trong năm học 2011-2012, nhiều phụ huynh tại TP.HCM cũng lên tiếng vì phong trào thu tiền để mua trang thiết bị cho nhà trường. Đơn cử, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Gò Vấp) đề nghị mỗi phụ huynh hỗ trợ 250.000 đồng để mua máy tính xách tay cho giáo viên dạy giáo án điện tử. Tuy nhiên, ai mà không đóng sẽ bị nhắc tên trước lớp. Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7), một trường THCS tại quận 10… cũng tương tự khiến phụ huynh lo ngại.

Thêm vào đó, bất kỳ khoản nào của lớp hay trường cũng được nhà trường kêu gọi “hỗ trợ”. Như tại một trường tiểu học ở quận 12, trong các khoản tiền đầu năm học xuất hiện nhiều khoản dưới dạng hỗ trợ như hỗ trợ vệ sinh phí 50.000 đồng; hỗ trợ sửa chữa, thay bóng đèn, thay cửa kiếng, bàn ghế 25.000 đồng; hỗ trợ hoạt động phong trào văn thể mỹ 40.000 đồng; hỗ trợ thay rèm cửa 160.000 đồng....

Xã hội hóa theo kiểu “bổ đầu”

Tháng 9/2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đây được xem là cơ sở pháp lý cho những tổ chức, cá nhân muốn đầu tư cho giáo dục thực sự nhưng phải có kế hoạch tiếp nhận và thu chi một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng đây chính là cách để “hợp thức hóa” cho những khoản lạm thu của trường.

Thực tế, nhiều trường đã có hẳn tên gọi cho một khoản đóng góp là “xã hội hóa giáo dục” theo kiểu “bổ đầu” HS như Trường Tiểu học Bắc Sơn (Thanh Hóa) thu khoản này là 300.000 đồng/HS, Trường Mầm non thị trấn Con Cuông (Nghệ An) mỗi bé 400.000 đồng…

Sự kiện lớp VIP 300 triệu đồng ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, TP Hà Nội) trong năm học 2012-2013 còn “choáng” hơn. Cụ thể, hai lớp 1 của trường này được thiết kế sang trọng, đầy đủ trang thiết bị hiện đại như có bảng tương tác, sàn gỗ, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án… Mỗi phụ huynh phải đóng góp 5-8 triệu đồng cho khoản xã hội này. Vụ việc được kết luận là nhà trường thực hiện sai quy trình đóng góp đầu tư của phụ huynh, không có đề án thẩm định rõ ràng. Trường phải trả lại toàn bộ tiền cho phụ huynh. Trả lại thiết bị cho nhà cung cấp.

Tại Hội nghị tổng kết năm học do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Lạt mới đây, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã có ý kiến: “Đổi mới giáo dục phải cần nguồn kinh phí rất lớn nhưng kinh phí từ Nhà nước ngày càng hạn hẹp, tiền cơ sở vật chất bị cắt, tiền thu dạy thêm cho giáo viên và dạy nghề thấp. Đội ngũ quản lý muốn mạnh dạn thực hiện cũng không có nguồn chi nên phải phụ thuộc lớn vào nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, nguồn xã hội hóa này rất dễ bị hiểu không đúng, dẫn đến không ít đơn vị thu vượt hoặc thu sai mục đích. Vì vậy, chính sách xã hội hóa giáo dục cần được triển khai thống nhất, rõ ràng từ cấp tỉnh xuống để các đơn vị hiểu và không bị ảnh hưởng bởi những dư luận không hay khi thu chi”.

Sáng kiến thu vô biên

Gần đây nhất, mặc dù chỉ mới làm thủ tục nhập học cho con em vào lớp 1 năm học 2013-2014, các phụ huynh đã bị Trường Tiểu học thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn, Thanh Hóa) đề nghị đóng tiền ủng hộ cho trường để… trả nợ cũ mỗi người 200.000 đồng (!).

Một sự việc xảy ra tại Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) năm học 2009-2010 khiến phụ huynh choáng váng. Theo phản ánh, giữa năm học này, trường cho HS nghỉ học hai ngày để kiếm 60.000 đồng đóng tiền xây sân tennis cho các thầy cô tập luyện thể dục mà không thông qua ban đại diện cha mẹ HS. Khi bị phản ánh, trường trả lại HS một nửa tiền, nửa còn lại nhà trường góp vào quỹ của trường nhưng không rõ thực hư. Sang năm học 2011-2012, trường này tiếp tục bị phụ huynh tố là đã thu tiền trồng cỏ sân trường tổng cộng hơn 46 triệu đồng, tiền cắt cỏ hơn 24 triệu đồng mặc dù khuôn viên trường toàn bằng xi măng. HS còn bị bắt đóng tiền ôn thi tốt nghiệp hơn 264 triệu đồng, tiền thi thử ĐH 30 triệu đồng, quỹ hội cha mẹ HS, quỹ vệ sinh và quỹ photocopy hơn 274 triệu đồng… Tổng các khoản thu cha mẹ HS phải đóng góp trong năm học lên tới hơn 1,3 tỉ đồng.

Tại Trường Mầm non thị trấn Con Cuông (Nghệ An), mỗi bé phải đóng tiền trực ca trưa 40.000 đồng/tháng, tiền hỗ trợ cô dinh dưỡng 90.000 đồng/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN