Lạm thu gây bức xúc

Tình trạng lạm thu đầu năm học mới diễn biến phức tạp, thậm chí “lập kỷ lục” mới khi phụ huynh ở một trường không cho con đi học để phản đối!

Cơn sóng ngầm bắt đầu bùng phát ở Trường Mầm non Tương Giang 2, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tình trạng rất nghiêm trọng khi đa số phụ huynh (PH) cho con nghỉ học để phản đối lạm thu - chuyện chưa bao giờ xảy ra trong ngành giáo dục nước ta. Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn đã buộc phải ra quyết định đình chỉ chức vụ đối với bà Nguyễn Thị Hoan, hiệu trưởng nhà trường, từ ngày 10/9.

Những chuyện chưa có trong ngành giáo dục

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các PH có con học tại Trường Mầm non Tương Giang 2 cho biết họ rất bức xúc vì hành vi mập mờ của bà hiệu trưởng trong việc thu quá nhiều khoản tiền. Theo một PH, năm học 2011-2012, trường thu mỗi học sinh (HS) 100.000 đồng, gọi là tiền “hỗ trợ dạy và học” nhưng khi PH yêu cầu hiệu trưởng công khai việc thu chi thì ban giám hiệu chỉ nói chung chung mà không thông tin cụ thể. Sau khi có ý kiến của PH, trường đã dừng khoản thu này trong 1 năm. Đến năm học 2013-2014, trường lại thông báo PH phải đóng khoản tiền hỗ trợ này là 120.000 đồng/năm và nhiều khoản thu khác mà theo các PH là quá cao. “Có nhiều khoản thông báo trong buổi họp PH ngày 29/8, tôi không đồng ý vì quá cao nhưng hôm sau, cô giáo gọi điện yêu cầu ký vào bản thỏa thuận, nếu không sẽ giữ cháu ở lại trường nên tôi phải ký” - một PH bức xúc.

Lạm thu gây bức xúc - 1

Trường Mầm non Tương Giang 2 và các khoản thu bắt buộc gây bức xúc trong phụ huynh. Ảnh: Xuân Trung

Năm học 2012-2013, ngân sách nhà nước chi cho Trường Mầm non Tương Giang 2 là 76 triệu đồng để sửa chữa đường điện và các thiết bị nhà vệ sinh nhưng trong cuộc họp PH cuối năm vào ngày 18/5, trường vẫn yêu cầu mỗi phụ PH nộp 45.000 đồng (tổng thu là trên 12 triệu đồng) để thay mới đường dây điện. Quá bức xúc, nhiều PH đã cho con nghỉ học để phản đối. Ngày 6-9, trường chỉ đón được khoảng 45/235 HS đến lớp, còn 190 PH cương quyết không cho con đi học. Trước phản ứng quyết liệt này, lãnh đạo UBND xã Tương Giang đã tổ chức cuộc họp giữa các bên nhưng những bức xúc vẫn chưa được giải quyết. Ngày 12/9, lãnh đạo thị xã Từ Sơn tổ chức họp PH để thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo và các quyết định xem xét kỷ luật hiệu trưởng. UBND xã Tương Giang phải thành lập 9 đoàn công tác đến từng nhà của trẻ không đi học để vận động gia đình và kết quả đã có 214 em đến lớp.

“Muôn hình vạn trạng”

Tại Trường Mầm non Lê Mao (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), PH cũng bức xúc khi bị ép nộp phí xã hội hóa ở mức cao. Được xây dựng mới từ tháng 5/2013 với kinh phí hơn 4 tỉ đồng, UBND TP Vinh hỗ trợ 80% ngân sách đầu tư xây dựng trường, còn lại 20% (816 triệu đồng), UBND phường Lê Mao đã làm công văn giao lại cho trường để thu của PH với danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”. Mức “huy động” mà trường thu của các PH là từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/em, tùy theo lứa tuổi. Sau khi dư luận lên tiếng, UBND phường Lê Mao phải chỉ đạo tạm dừng, trả lại số tiền xã hội hóa giáo dục đã thu của PH.

Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cũng xảy ra tình trạng lạm thu biến tướng. Một PH cho biết con gái chị được nhà trường yêu cầu mua tới 6 bộ đồng phục, gồm: đồng phục mùa hè, bộ dài tay mùa thu, bộ thể dục, váy, áo khoác mùa đông... với số tiền lên đến gần 2 triệu đồng. Các giáo viên của trường này cũng có nhiều quy định khiến PH không hài lòng như yêu cầu HS dùng chung một loại vở có in sẵn tên và logo của trường ở bìa.

Một PH có con học lớp 5 tại Trường Tiểu học Ba Đình (quận Ba Đình, TP Hà Nội) phàn nàn: “Trường có những quy định rất oái oăm để phục vụ cho phong trào “vở sạch, chữ đẹp” như HS phải sử dụng một loại vở, các môn khác nhau thì dùng vở có bìa màu khác nhau… khiến phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo, lùng sục khắp nơi mới mua được!”.

Lạm thu gây bức xúc - 2

Lại thư ngỏ, gợi ý

Dự kiến vào ngày 15/9, khi đã có hướng dẫn của UBND các quận, huyện, nhiều trường tại TP HCM mới tổ chức họp PH để thống nhất về các khoản thu. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều PH, cuộc họp chỉ là hình thức, còn thực tế nhiều trường đã vẽ ra rất nhiều khoản và tự thu trước khi có hướng dẫn.

Theo phản ánh của một PH có con học lớp 1 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Thủ Đức, TP HCM), trong cuộc họp PH ngày 8-9 vừa qua, giáo viên chủ nhiệm đã gợi ý đóng góp rất nhiều khoản như sơn sửa lớp học, mua đèn, quạt, tivi... với số tiền khoảng 1 triệu đồng. “Mặc dù nói là tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc bởi dù không muốn đóng góp nhưng tôi lại chẳng dám vì sợ con mình bị ảnh hưởng. Qua tìm hiểu, tôi thấy lớp nào trong khối lớp 1 cũng đóng những khoản như vậy. Số tiền đóng góp sẽ đi đâu khi mà hiện nay, bóng đèn, quạt, bàn ghế… vẫn sử dụng tốt?” - vị PH này nói.

Một PH tại Trường THCS Colette (quận 3, TP HCM) gọi tới đường dây nóng Báo Người Lao Động phản ánh mới đầu năm, nhà trường đã thông báo một loạt khoản thu như quỹ trường 500.000 đồng, quỹ lớp 400.000 đồng, sơn trường 300.000 đồng… Một PH có con học lớp 1 Trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TP HCM) cho biết dù chưa họp PH nhưng trường đã tạm thu mỗi em 1 triệu đồng. “Khi có cuộc họp PH thì sẽ còn đóng nữa” - PH này nói.

Lạm thu gây bức xúc - 3

Tại Trường Mầm non Tương Giang 2, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhiều phụ huynh đã không cho con đi học để phản đối tình trạng lạm thu. Ảnh: Xuân Trung

Biết sai nhưng vẫn làm

Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) bị PH phản đối vì ban giám hiệu nhà trường có thư ngỏ “xin” PH hỗ trợ mua bàn ghế cho HS. Theo đó, HS từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi em phải đóng 100.000-300.000 đồng. Bà Phan Thị Xuân Hồng, hiệu trưởng nhà trường, nói: “Chúng tôi biết là sai nhưng lại càng sai hơn nếu để HS học mà không có bàn ghế”. Điều PH thắc mắc là trường mới được UBND TP Đồng Hới đầu tư xây dựng, sao lại không có bàn ghế mà bắt PH đóng góp!

H. Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh- Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN