Làm thế nào để trao quyền tự quyết cho con mà không làm mất vị thế của cha mẹ?
Trả lời được câu hỏi trên sẽ giúp các bậc làm cha mẹ cảm thấy "dễ thở" hơn trước những "xung đột" vẫn luôn diễn ra với con cái hằng ngày.
Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng, làm cha mẹ là một trong những công việc khó khăn nhất trong cuộc đời của mỗi người. Từ việc chăm sóc đứa trẻ khi mới chào đời, sau đó là nuôi dạy mọi thứ để chúng khôn lớn trở thành người tự chủ và có trách nhiệm,...
Trên thực tế việc làm cha mẹ còn khó khăn hơn rất nhiều vì nó gắn với vô vàn cảm xúc. Những cảm xúc này luôn luôn chi phối mọi hành động khiến cha mẹ gặp không ít rắc rối. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ nên san sẻ cảm xúc cùng những việc làm hằng ngày với trẻ, bao gồm cả quyền đưa ra quyết định.
Ảnh minh họa
Làm thế nào phân chia quyền tự quyết với trẻ mà không làm mất vị thế của cha mẹ?
Trước khi trả lời câu hỏi nêu trên, đầu tiên chúng ta cần hiểu về 3 hình mẫu cha mẹ phổ biến nhất. Mỗi hình mẫu này lại tạo ra những hệ quả rất khác biệt trong gia đình cũng như trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Hình mẫu số 1: cha mẹ độc đoán. Đây là kiểu cha mẹ trong đầu luôn nghĩ rằng mình là người chịu trách nhiệm và luôn lo sợ về mọi điều có thể xảy ra nếu cho con cái nắm bất cứ quyền kiểm soát lớn nhỏ nào. Họ luôn coi mình có quyền tối thượng dựa trên việc cha mẹ là người lớn và có quyền đưa ra mọi quyết định.
Hình mẫu số 2: cha mẹ đồng ý với mọi đòi hỏi của con. Cha mẹ theo hình mẫu này thiếu khuôn khổ và sức ảnh hưởng tới con. Hình mẫu cha mẹ này thường sợ làm con giận và làm bất cứ việc gì để trẻ vui lòng, hạnh phúc. Họ cho rằng làm cha mẹ là phải làm cho con cái vừa lòng.
Hình mẫu số 3: cha mẹ có hình thức kỷ luật tích cực. Cha mẹ thuộc hình mẫu này dành sự tôn trọng đối với con cái của mình thông qua việc cho phép trẻ được tự chủ trong thế giới của chúng ở một vài mức độ nhất định. Họ tạo ra môi trường sống trong đó, con cái họ có cơ hội được chịu trách nhiệm và được tự gánh vác. Ranh giới được đặt đúng chỗ, mối quan hệ nhân quả được thiết lập và tuân theo trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; môi trường này mang lại cơ hội học hỏi cho trẻ nhỏ.
Ảnh minh họa
Trong cách nuôi dạy con cái, 2 hình mẫu làm cha mẹ đầu tiên thiếu đi một yếu tố quan trọng là trao quyền cho con cái ở một mức độ nào đó. Với kiểu cha mẹ theo hướng kỷ luật tích cực, họ tạo ra môi trường mà trong đó con cái vẫn được tự do trong khuôn khổ.
Bằng việc tạo ra một môi trường để con trẻ được trao quyền nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, bạn sẽ nhận thấy rằng các cuộc chiến tiêu cực với bọn trẻ sẽ dần được giảm bớt. Trong một ngày bạn có thể đưa ra cho trẻ nhiều lựa chọn. Hãy cho con bạn 2 lựa chọn (bạn xác định giới hạn) và để trẻ được lựa chọn (con bạn có sự tự do -quyền được lựa chọn). Ví dụ: “Con muốn đi tắm bây giờ hay ăn tối xong?”, “Con muốn lau người bằng khăn xanh hay khăn vàng?”, “Con muốn tự mình dọn dẹp hay muốn mẹ giúp?”.
Tất cả những sự lựa chọn đơn giản này sẽ khiến con bạn cảm thấy chúng được kiểm soát thế giới của mình ở chừng mực nào đó. Tạo lập sự tự tin vào bản thân khiến trẻ bắt đầu có cảm giác “được tự mình” hoặc “có khả năng” chăm sóc chính mình. Khi bạn đóng vai trò “cha mẹ yêu cầu” mà không phải là “cha mẹ nói”, điều đó cho thấy mức độ tôn trọng khác nhau. Các lựa chọn này giữ chúng ta tránh xa việc ra lệnh và mang lại cho con cái cảm giác được tự chủ.
Ảnh minh họa
Bạn hãy tự hỏi bản thân mình những câu hỏi sau:
- Mỗi ngày, bạn có trao cơ hội cho con được quyền tự quyết và cảm giác tự chủ trong thế giới của trẻ không?
- Bạn có thường đưa cho con các lựa chọn khác nhau để chúng được phát triển tự do trong khuôn khổ không?
- Bạn có xác lập chuỗi nguyên nhân - kết quả để trẻ học được nhiều điều từ việc đưa ra lựa chọn không?
Nếu câu trả lời là “không”, thì từ hôm nay các bậc cha mẹ nên thay đổi và có thể tạo ra những chuyển biến tích cực. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy "trận chiến" với con cái giảm đi khi trẻ được chia sẻ quyền lực với cha mẹ.
Phương pháp dạy con độc đáo của những tỉ phú giàu có và quyền lực bậc nhất thế giới dưới đây sẽ khiến không ít...