Làm sao tổ chức ngoại khóa bảo đảm an toàn?

Sự kiện: Giáo dục

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các trường tập huấn kỹ năng cứu hộ, xử lý tình huống cho giáo viên trước khi đi ngoại khóa

Trong ngày 14-1, một học sinh (HS) THPT ở tỉnh Phú Thọ đang ở trên tàu lượn thì rơi ra khỏi đường ray, cú va đập xuống nền bê-tông khiến em bất tỉnh, dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu tích cực nhưng em đã không qua khỏi. Cùng ngày, một HS lớp 4 tại TP HCM đã tử vong do trước đó rơi xuống vùng biển nhân tạo của một khu du lịch. Cả 2 em đều gặp sự cố khi đang tham gia hoạt động ngoại khóa do trường mình tổ chức.

Lựa chọn địa điểm phù hợp

Qua những sự cố đáng tiếc, nhiều giáo viên, chuyên gia cho rằng nên có những biện pháp căn cơ hơn để hạn chế tối đa các trường hợp thương tâm. Đặc biệt, các nhà quản lý cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm, hướng dẫn cụ thể các trường khi tổ chức sinh hoạt ngoại khóa bên ngoài trường.

Học sinh trong một buổi tham gia ngoại khóa. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Học sinh trong một buổi tham gia ngoại khóa. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Đối với vụ việc tại TP HCM, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết sở đã báo cáo lên UBND TP, đây là sự cố đáng tiếc và đau lòng. Lãnh đạo địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình HS tử nạn, toàn bộ chi phí lo hậu sự do địa phương chi trả.

Về phía Sở GD-ĐT đã làm dự thảo văn bản hướng dẫn chung các hoạt động ngoại khóa, tuần sau sẽ có văn bản chính thức gửi về phòng GD-ĐT 24 quận, huyện và báo cáo UBND.

Theo ông Dũng, hằng năm sở này vẫn có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện kế hoạch sinh hoạt ngoại khóa nhưng có một số nơi chưa phối hợp nhịp nhàng. Khi tổ chức ngoại khóa, sở yêu cầu các trường phải cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối cho HS.

"Sắp tới, sở sẽ có những hướng dẫn chi tiết cho từng bậc học, nên tổ chức ở những địa điểm nào, phân công giáo viên ra sao. Nếu trường nào cảm thấy không bảo đảm an toàn được thì không tổ chức, đã tổ chức thì phải lên kế hoạch và có trách nhiệm, không phải báo cáo vài dòng cho xong" - ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, không vì trường hợp sự cố hy hữu mà ngưng tổ chức hoạt động ngoại khóa, trong khi chương trình này mang đến lợi ích rất nhiều cho HS. Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhà trường phải nắm được tình hình sức khỏe của từng HS đăng ký tham gia, lưu ý kỹ những HS có bệnh lý.

Khi lên kế hoạch, trường cần lựa chọn chương trình phù hợp với lứa tuổi, hướng xử lý bảo đảm an toàn khi xảy ra các tình huống khẩn cấp. Đối với những nơi có nước như ao, hồ, sông, suối... cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường và đơn vị tại chỗ. HS bậc mầm non, tiểu học cần có lực lượng giáo viên dày hơn để chăm sóc, quản lý.

Thầy Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết lựa chọn địa điểm ngoại khóa là việc làm quan trọng đối với sự an toàn của HS. Tại trường này, một năm tổ chức 2 đợt ngoại khóa, mỗi khối lớp sẽ đi sinh hoạt ngoại khóa một ngày, không tổ chức đi vào thứ sáu.

"Mỗi khối lớp có khả năng, nhu cầu tiếp cận kiến thức khác nhau. Không thể để lớp 1 nắm bắt những kiến thức của lớp 5. Trong trường hợp đến những nơi có nước, HS lớp 1 cần được bố trí những địa điểm nước không quá ngực nhưng mực nước đó thì HS lớp 5 sẽ không chịu vì nước chỉ trên đầu gối. Ngoài ra, trường không tổ chức đi vào thứ sáu, không đến nơi đông người vì khó quản lý HS" - thầy Phương chia sẻ.

Tập huấn kỹ giáo viên

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên nhận định an toàn tính mạng tại trường học cần được nhìn dưới góc độ quản trị rủi ro một cách khoa học hơn. Tại Việt Nam, chuyên ngành an toàn trường học chưa được đào tạo, việc bảo đảm an toàn thường được kiêm nhiệm bởi phó hiệu trưởng, chưa có chuyên gia an toàn thực sự.

"Giao phó an toàn trường học hoàn toàn cho các giáo viên là chưa phù hợp, bản thân giáo viên là các chuyên gia giáo dục, họ không phải chuyên gia an toàn, không có nghiệp vụ về phòng chống, đánh giá rủi ro hay xử lý sự cố, tai nạn. Họ chỉ được đào tạo để phối hợp về các vấn đề an toàn" - ông Nguyên nói.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho HS, giáo viên cần được dạy những bộ môn bắt buộc về an toàn học đường ngay trong trường sư phạm. Trong quá trình công tác, giáo viên cần được tập huấn thường xuyên, một cách bài bản, có chuyên gia hướng dẫn và được làm bài kiểm tra, nhắc lại định kỳ. Đồng thời, quy trình an toàn trường học phải được kiểm tra thường xuyên, bắt buộc như quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông, phải được công khai trên trang web của trường. Phối hợp với các chuyên gia an toàn của các ngành công an, thể thao, y tế, sản xuất... để tổ chức các chuyên đề an toàn cho các thành viên trong cộng đồng trường học.

Ông Dương Trí Dũng cũng yêu cầu các trường tập huấn kỹ năng cứu hộ, xử lý tình huống cho giáo viên trước khi đi ngoại khóa. Các trường lựa chọn nhân sự phù hợp khi lên kế hoạch, chẳng hạn như những nơi có nước thì giáo viên tham gia phải biết bơi. 

Sai đến đâu xử lý đến đó

Theo ông Dương Trí Dũng, mặc dù trường đã có báo cáo kế hoạch ngoại khóa đầy đủ lên phòng GD-ĐT và phòng GD-ĐT cũng làm đúng quy trình nhưng để xảy ra sự cố HS tử vong trong quá trình hoạt động ngoại khóa thì các bên đều có trách nhiệm. Kết quả xử lý từng đơn vị ra sao sẽ chờ vào kết luận của UBND TP, sai đến đâu xử lý đến đó.

Nguồn: [Link nguồn]

Không phải game hay điện thoại hủy hoại trẻ, đây mới là thứ cha mẹ cần tránh

Bản thân điện thoại không phải là thứ gây hại cho con cái mà cách giáo dục của cha mẹ mới khiến nó trở nên tiêu cực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thuận ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN