Làm sao bắt nhịp khi trở lại trường?
Sau tết, hình ảnh quen thuộc tại các lớp là cảnh học sinh ngáp ngắn ngáp dài, uể oải mở cặp ra mới phát hiện thiếu tập vở, bút, thước kẻ, khi giáo viên hỏi bài thì ấp úng... vì quên trước quên sau.
Bà NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT (phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.3, TP.HCM):
Ở bậc mầm non, nhiều bé thường bị sụt cân khi trở lại trường sau khi nghỉ tết, có bé còn bị rối loạn tiêu hóa, có bé quấy khóc, khó ngủ do sinh hoạt không điều độ. Đây là thời điểm giáo viên rất cực, nhất là bậc nhà trẻ. Lịch sinh hoạt ở trường không giống như ở nhà, tới giờ tất cả các cháu phải ăn, tới giờ ngủ bé nào không ngủ cũng phải lên giường nằm.
Do đó bắt đầu từ mồng 6 phụ huynh nên tập cho bé ăn, ngủ, nghỉ gần giống với lịch sinh hoạt ở trường mầm non để khi trở lại trường vào mồng 9 tết bé dễ thích nghi. Điều quan trọng nhất là phải cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn các thức ăn dễ tiêu và nhất thiết phải có rau củ quả đầy đủ để giữ gìn thể lực cho bé. Tôi biết một số gia đình khách khứa đông đúc, ồn ào bé không ngủ được nên ngủ bù vào hôm sau, còn các món ăn ngày tết lại thiếu rau xanh... bé ăn không tiêu, mệt mỏi. Điều này hoàn toàn thông cảm với phụ huynh khi ngày tết ai cũng cần gặp mặt bạn bè, người thân. Tuy nhiên, năm nay thời gian nghỉ tết dài hơn những năm trước (16 ngày thay vì những năm trước là 12 ngày - PV) nên rất cần điều chỉnh dần lịch sinh hoạt ở nhà cho bé trước khi trở lại trường mầm non.
Ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 (TP.HCM), ngày đầu tiên trong năm mới nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh sinh hoạt tập thể dưới sân trường để các em không bị hụt hẫng sau tết. Trong ảnh: một hoạt động sinh hoạt tập thể.
* ThS LÊ NGỌC ĐIỆP (trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM):
Ngày đầu tiên đi học sau tết sẽ có học sinh uể oải, học sinh đến trường trễ giờ, có em để quên đồ dùng học tập ở nhà, có em còn quên cả nề nếp lớp học...
Theo tôi, từ mồng 7 phụ huynh hãy nói chuyện với con rằng tết đã hết, nhẹ nhàng mà cương quyết đồng thời cùng con xem lại sách vở, đồ dùng học tập, thời khóa biểu và chuẩn bị trước chu đáo mọi thứ cần thiết. Đừng để đến sáng mồng 9 đi học mới phát hiện thiếu cái này cái kia rồi quát mắng con khiến các em sợ hãi.
Tâm lý học sinh tiểu học lâu ngày gặp lại thầy cô, bạn bè thì rất mừng rỡ và thích nói chuyện. Các em thích kể cho nhau nghe về việc được đi chơi, được tiền lì xì, được quần áo mới... Nhà trường tiểu học nên nắm đặc điểm này để du di cho các em trong ngày đầu tiên đi học sau tết. Nên tạo không khí vui tươi, đầm ấm trong ngày đầu năm mới, giáo viên hỏi thăm học sinh tình hình ăn tết, chơi tết, em nào vắng thì điện thoại hỏi thăm, em nào để quên sách, vở... thì dặn dò ngày mai mang theo cho đủ, em nào quên bài thì hướng dẫn đọc lại, ôn lại... Tóm lại là tránh gây áp lực nặng nề hoặc nói nặng lời với các em.
* TS NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG (trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học, Khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Đang được vui chơi thỏa thích, tâm lý học sinh ít có em nào muốn đi học để gò mình vào khuôn khổ trường lớp. Năm nay lại nghỉ tết dài ngày nên phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế cho con em quay lại với nhiệm vụ của học sinh. Việc chuẩn bị này nên làm từ từ và cha mẹ phải làm gương trước, tức là chính những người lớn trong gia đình cần điều chỉnh thời gian biểu của mình trước khi bắt con em phải làm theo. Ví dụ: nếu như mồng 1, mồng 2 tết các bé được đi chơi, 23, 24g mới đi ngủ thì ngay từ mồng 6 nhịp sinh hoạt của gia đình nên dần chuyển lại như ngày bình thường, cha mẹ và các con có thể đi ngủ lúc 22g hoặc 22g30, mồng 7 đi ngủ lúc 21g30 hoặc 22g, mồng 8 thì 21g (không thể bắt các con đi ngủ sớm còn ba mẹ đi chơi đây đó thì sẽ không thuyết phục trẻ). Tránh để các cháu thức quá khuya, sáng hôm sau ngủ “nướng”, rất khó dậy sớm để đi học, có em dậy được thì mệt mỏi, uể oải, có đi học cũng khó tiếp thu bài. Thêm nữa, phụ huynh cũng cần nói với các bé là tết đã hết, mỗi ngày cần ngồi vào bàn học để ôn lại bài vở, có thể mồng 6 ngồi chốc lát thôi nhưng đến mồng 7, mồng 8 thì thời gian tăng lên.
* ThS LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM):
Việc tập cho trẻ trở lại với nhịp sinh hoạt của ngày thường phụ thuộc vào cha mẹ các em. Trước khi đi học từ 2-3 ngày, phụ huynh hãy nhắc con em ngồi vào bàn học. Ngày đầu tiên có thể đọc truyện, xem sách... sau đó mới học bài, ôn bài (thường giáo viên có cho bài về nhà nhưng không nhiều), chuẩn bị mồng 9 đi học. Có thể ngày thường học sinh ôn bài 60 phút thì nay chỉ cần 30 phút là được. Điều tiếp theo là phụ huynh cố gắng tập cho các em ăn đủ 3 bữa/ngày và không dậy quá trễ.
Để tránh tình trạng học sinh bị hụt hẫng, ngày đầu tiên đi học sau tết nhà trường sẽ cho các em sinh hoạt tập thể dưới sân trường. Sau đó, khi lên lớp giáo viên bỏ ra một tiết đầu tiên để kể chuyện cho nhau nghe về cái tết của mình, tạo sự vui vẻ, thoải mái cho học sinh và dần dần đi vào nếp.
Chuyện sau ngày tết Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh trên địa bàn TP.HCM khá dài với trên 15 ngày, nhiều gia đình đã đưa cả nhà về quê ăn tết sum họp gia đình, hay tổ chức cho cả nhà chuyến tham quan du lịch xa để tinh thần thanh thản, đầu óc thư giãn sau một năm miệt mài lao động.... Vì trẻ được thả lỏng trong những ngày vui chơi hết sức thú vị này nên chẳng có cha mẹ nào để ý đến việc con mình có ngó ngàng đến bài vở mà thầy cô giáo cho làm ở nhà trước khi nghỉ tết. Với trẻ đang học cấp THPT hay THCS thì cha mẹ đỡ phải lo vì ít nhiều các em có ý thức rõ việc học của mình, còn với học sinh cấp tiểu học thì vô tư, không bao giờ đụng đến và xem sách vở, càng chơi đùa thì càng mê, càng thích. Không biết các bậc cha mẹ có biết thông tin ở sổ liên lạc của các em, sau tết vào học chỉ hai tuần lễ là học sinh cấp tiểu học của TP.HCM sẽ bước vào kiểm tra định kỳ giữa học kỳ 2 của năm học 2012-2013, vì thế cha mẹ phải sớm đưa con trở về nhà và giúp con chuẩn bị thật kỹ sách vở, đồ dùng học tập, ôn lại bài vở... trước khi đến trường học vài ba ngày, phải thật sự chú ý quan tâm nhắc nhở con mình. TRẦN VĂN TÁM |