Làm gì sau khi tốt nghiệp phổ thông: 6 sự lựa chọn thay thế cho việc học đại học
Đại học không dành cho tất cả mọi người, có nhiều sự lựa chọn khác dành cho những ai không muốn tiếp tục trải qua 4 năm ở giảng đường.
1. Kiếm việc làm
Có thể ban đầu bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc lương cao chỉ với tấm bằng cấp 3, nhưng thực tế không phải là không có. Có một số công việc trả lương cao không yêu cầu bằng đại học nhưng vẫn cần trải qua một khóa đào tạo như tài xế, nhân viên pha chế, quản lý quán cà phê.
Trong trường hợp bạn vẫn loay hoay chưa biết tìm việc gì, hãy thử làm nhân viên pha chế, nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng trong các cửa hàng mình yêu thích hoặc làm gia sư… Bạn không chỉ có nhiều niềm vui hơn mà còn có nhiều khả năng mở ra cơ hội thăng tiến cho bản thân.
Ảnh minh họa.
2. Tham gia các tổ chức phi lợi nhuận
Dành 1 năm để tham gia các tổ chức phi lợi nhuận hay tổ chức từ thiện có thể giúp bạn khám phá ra được niềm đam mê của bản thân, hoặc mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho con đường sự nghiệp sau này.
Mỗi chương trình có những yêu cầu tham gia khác nhau, bạn nên tìm hiểu kỹ. Đặc biệt, có một số chương trình liên kết với nước ngoài còn trợ cấp cho bạn một khoản sinh hoạt phí, với điều kiện bạn phải có tiếng Anh tốt.
Nếu có kinh nghiệm tham gia các tổ chức này, bạn sẽ được ưu ái hơn khi tham gia tuyển dụng tìm việc sau này.
3. Nhập ngũ
Nếu bạn đang mơ hồ, không biết tương lai làm gì và muốn gì, cũng không muốn tiếp tục học, có lẽ bạn nên nhập ngũ theo yêu cầu của nhà nước. Việc đi nghĩa vụ quân sự 2 năm có thể giúp bạn trưởng thành lên rất nhiều và có suy nghĩ chín chắn hơn.
Nếu bạn nhập ngũ năm 18 tuổi, khi trở về sẽ là 20 tuổi, độ tuổi này còn quá trẻ. Nếu bạn có ý định đi học đại học trở lại thì hãy tập trung ôn tập. Không gì tuyệt bằng việc bạn nhận ra ý nghĩa thực sự của việc học và dốc lòng tập trung học vào lúc này.
Tất nhiên, việc tham gia quân đội không phải dành cho tất cả mọi người. Bạn sẽ phải đáp ứng một số tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng cần hiểu rằng, việc rèn luyện trong quân đội rất vất vả nhưng nhờ đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của việc học như thế nào.
4. Khởi nghiệp
Trên thực tế bạn không nhất thiết phải có bằng cấp để trở thành một nhà kinh doanh. Có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ rất sớm và dám theo đuổi ước mơ của mình.
Để thành công với doanh nghiệp nhỏ của mình, bạn cần học hỏi rất nhiều thứ từ thực tế và rút ra những kinh nghiệm sau những lần thất bại. Không học đại học không có nghĩa là bạn ngừng học, để doanh nghiệp của bạn tồn tại, bạn phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác. Ban đầu, bạn có thể buôn bán một thứ gì đó và từ từ gầy dựng sự nghiệp cho riêng mình.
5. Học nghề
Việc học nghề có lẽ không được nhiều người chú trọng, nhưng hầu như những nghề như nấu ăn, thợ điện, thợ hàn, làm nail, cắt tóc, lái xe… đều không lo sau này không kiếm được việc làm. Thậm chí tỷ lệ những người học nghề tìm được việc làm còn cao hơn những người học đại học.
Ưu điểm của những nghề này là thời gian đào tạo ngắn, một số nơi còn cam kết đầu ra. Một số nghề lương rất cao và thiếu nhân lực, ngày càng có nhiều học sinh chọn học nghề thay vì học đại học theo số đông.
6. “Gap year” 1 năm để đi du lịch
Rất nhiều sinh viên chọn cách nghỉ ngơi 1 năm trước khi quay trở lại sự nghiệp đèn sách của mình. Trong 1 năm nghỉ ngơi này, họ thường đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, khám phá các nền văn hóa khác và gặp gỡ những người thú vị.
Nếu bạn cảm thấy không biết phải làm gì tiếp theo sau khi tốt nghiệp cấp 3, hãy nghiên cứu một số lựa chọn trong số này và quyết định lựa chọn nào phù hợp nhất với mình. Bất kể bạn quyết định làm gì sau khi tốt nghiệp, hãy khiến nó có giá trị!
Nguồn: [Link nguồn]
Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2022 một lần nữa chứng minh rằng, hầu hết các gia đình nuôi dạy con cái trở thành những người giỏi giang đều hội tụ 4 điều kiện, IQ của...