Làm đậu hũ nuôi giấc mơ Đại học

Cha bị câm điếc, anh trai bị bại liệt, mẹ bỏ nhà đi khi vừa tròn 10 tuổi, em Phan Kim Tươi (lớp 12A3 Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã dành thời gian nghỉ tết để làm thêm, kiếm tiền vì ước mơ trở thành cô giáo.

Không như chúng bạn cùng trang lứa vô tư vui tết cùng gia đình, khoảng hai tuần nghỉ tết vừa qua Kim Tươi đã tranh thủ đi làm việc. Mỗi ngày em thức từ 2 giờ sáng đi giúp việc ở tiệm cơm chay. Mãi đến sáng hôm qua (ngày 18/2), trước buổi học đầu tiên trong năm mới em vẫn làm việc từ 2 giờ đến 6 giờ sáng với ước mơ “sẽ làm cô giáo, có tiền để nuôi cha và người anh bệnh tật”.

Chín cái tết không có mẹ

Gần 10 năm qua căn nhà tình thương nhỏ nằm sát ven sông (số 60, ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) là nơi nương náu của gia đình em Phan Kim Tươi - học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lương Thế Vinh. Kim Tươi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nghị lực đáng khen. Cha em bị câm điếc, anh thứ hai bị bại liệt bẩm sinh, mẹ bỏ đi khi em vừa tròn 10 tuổi nhưng em vẫn nỗ lực, quyết tâm vượt khó để đến trường.

Em bùi ngùi chia sẻ chuyện buồn riêng: “Hơn chín năm rồi đêm nào em cũng nhớ về cái ngày mẹ bỏ nhà, bỏ cha con em mà đi. Em biết vì gia đình quá nghèo, mẹ không chịu nổi sự thiếu thốn nên mới làm vậy. Em không trách mẹ, chỉ mong một ngày nào đó gia đình em khá hơn, mẹ sẽ quay về cùng cha con em. Bấy nhiêu năm nay, em luôn quyết tâm dù khổ đến đâu cũng phải học. Chỉ có học mới làm cho cuộc sống của em và gia đình em thay đổi, mới hy vọng có một ngày mẹ sẽ trở lại”.

Khẽ lau nước mắt, Tươi hồi tưởng: “Lúc đó em 10 tuổi. Hồi đó ngày nào cha em cũng đi vác lúa, vác đồ thuê cho mấy cái ghe gần nhà. Còn mẹ thì đi lượm phế liệu và bán mớ rau, mớ cá kiếm thêm tiền. Em còn nhớ như in buổi chiều mẹ bỏ đi. Chiều hôm đó cha em đi vác lúa về, ba anh em của em cũng tan học về nhà nấu cơm ngồi chờ mẹ. Nhưng chờ hoài không thấy. Tới 9 giờ tối vẫn không có. Sợ mẹ có chuyện gì xảy ra tụi em chạy khắp xóm nhờ các cô chú trong xóm đi kiếm.

Làm đậu hũ nuôi giấc mơ Đại học - 1

Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Phan Kim Tươi luôn nỗ lực vươn lên, nuôi giấc mơ trở thành một cô giáo. Ảnh: Anh Phú

Đến mấy ngày sau thì có mấy bác xóm trên nói mới thấy mẹ đi theo hướng miệt trên rồi. Lúc đó cha con em mới hiểu mẹ đã quyết định đi rồi. Từ bữa đó cha em buồn rầu ngồi một chỗ, không chịu ăn uống gì, em ép mãi ông chỉ húp vài muỗng cháo. Hơn bốn tháng ròng ông ngồi trước cửa chờ mẹ em về. Râu tóc ông dài thòn. Thương cha, anh hai của em (anh Phan Việt Dũng, sinh năm 1986 - PV) bỏ học lên Sài Gòn đi làm hồ kiếm tiền gửi về nuôi gia đình.

Hơn một năm sau (năm 2007), nội em lại đổ bệnh, cũng may mất mát này làm cha em bình tĩnh lại, xin đi chặt mía, vác mía thuê... Hồi đầu năm 2008, cũng một buổi chiều, vừa tan học em chạy về thì thấy đầu nhà có một phụ nữ đội nón lá ngồi trên ghe cứ nhìn vào nhà hoài. Nhìn dáng người giống mẹ, em chạy ra giữ nhưng bà bỏ đi. Em khóc kêu hoài mẹ mới chịu trở lại. Cả nhà em năn nỉ mãi nhưng mẹ chỉ ngồi nói chuyện đến nửa đêm thì lại bỏ đi. Cha em bị câm không nói được gì chỉ ú ớ, rớt nước mắt thôi... Đã chín cái tết rồi em không được sống bên cạnh mẹ”.

Ước vọng của cô học sinh nghèo

Trong cảnh khó khăn ấy, Phan Kim Tươi không lùi bước, không có tiền mua sách em đi mượn, xin sách của thầy cô, bạn bè. Thời gian không lên lớp em làm việc nhà, đi phụ việc làm đậu hũ, làm thuê cho tiệm cơm chay đầu chợ để kiếm tiền phụ gia đình. Làm đậu hũ, tay ngâm nước lâu làm nứt nẻ, chảy máu nhưng em vẫn không bỏ cuộc. Công việc lao động chân tay, thu nhập thấp, thù lao chỉ mang tính tượng trưng mỗi buổi vài chục ngàn đồng nhưng em chấp nhận như niềm khích lệ.

Ngày tôi xuống thăm gia đình em, trong bộ đồ học thể dục đẫm mồ hôi em đang phăng phăng chẻ củi nấu nồi cơm chiều với rau đồng luộc và mấy con cá khô cho ba cha con. Em cho biết những ngày tết em làm được 180.000 đồng. Em đã trích một phần mua đôi dép mới để đi học trong năm mới. Em kể về ước mơ tương lai. “Em sẽ cố gắng hết sức. Mong ước một ngày nào đó em sẽ được làm cô giáo dạy văn hoặc dạy sử. Hy vọng kinh tế gia đình em cũng bớt khó khăn, để em có thể nuôi cha và anh ba” - Tươi tâm sự.

Chặng đường đến với bục giảng của Phan Kim Tươi còn đầy gian nan nhưng nhìn vào sâu thẳm đôi mắt đầy nghị lực của em hẳn không ít người cũng muốn cùng chắp cánh cho những ước mơ của em.

Nghị lực của Tươi xứng đáng để các học sinh khác noi theo. Nhiều năm qua nhà trường đã tạo điều kiện miễn, giảm học phí, động viên, giúp em vượt qua khó khăn. Tết vừa qua, chúng tôi cũng đã vận động học sinh, thầy cô và một số mạnh thường quân tặng gạo, thịt và bánh kẹo giúp Tươi và gia đình đón tết. Biết Tươi đi làm thêm rất nhiều, rất dễ hổng kiến thức trong khi kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH sắp diễn ra nên chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện phụ đạo cho em.

Cô Nguyễn Thị Hồng Bích, giáo viên chủ nhiệm của em Tươi

Gia đình em Tươi rất khó khăn. Hiện địa phương cũng đang trợ cấp cho gia đình em theo mức quy định chung là 360.000 đồng/tháng. Địa phương cũng mong các mạnh thường quân giúp đỡ để em ăn học thành tài.

Ông Kim Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ,
huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Phú (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN