“Lách luật” để dạy thêm, học thêm

Có người tốt nghiệp đại học sư phạm hơn 20 năm, bỏ nghề, nay lại được “mượn bằng” để xin giấy phép dạy thêm. Nghe ra có giá nhưng lại cay đắng cho cái nghề làm thầy…

Để siết chặt nạn dạy thêm, học thêm (DTHT), tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GDĐT đề xuất mức phạt tiền với hành vi DTHT trái quy định từ 3 – 30 triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thay đổi quan niệm và tâm lý về việc “yêu lấy thầy” thì đề xuất phạt này sẽ bị vô hiệu hóa…

Nhiều “chiêu” lách luật

Thông tư 17/2012 của Bộ GDĐT quy định về DTHT nêu rõ: “Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm trong nhà trường”. Tuy nhiên, tại Phú Yên, nhiều giáo viên đã khéo “lách” quy định này để công khai tổ chức DTHT.

Ông Nguyễn Phi Hùng – giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp huyện Phú Hòa (Phú Yên) cho biết: Tại địa phương đang rộ lên hiện tượng giáo viên về hưu, sinh viên sư phạm thất nghiệp đứng ra xin giấy phép tổ chức các lớp dạy thêm cho các giáo viên trong trường tham gia, thực tế là hình thức cho thuê bằng

“Có người tốt nghiệp đại học sư phạm hơn 20 năm, bỏ nghề, nay lại được “mượn bằng” để xin giấy phép dạy thêm. Nghe ra có giá nhưng lại cay đắng cho cái nghề làm thầy… Vậy là DTHT lại lâm vào cảnh “bình mới, rượu cũ”- ông Hùng nói.

“Lách luật” để dạy thêm, học thêm - 1

Lớp học thêm “ngoài luồng” của thầy giáo tàn tật Nguyễn Trai ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).

Sở GDĐT Phú Yên cho biết, hiện Sở đã cấp trên 120 giấy phép tổ chức DTHT cho khối THPT (trong và ngoài nhà trường); còn khối THCS thì do Phòng GDĐT cấp huyện xét cấp phép. Riêng Phòng GDĐT TP.Tuy Hòa cho biết đã cấp giấy phép DTHT trong nhà trường cho 13 trường THCS và cấp giấy phép DTHT ngoài nhà trường cho 41 nhóm với 119 giáo viên…

Ông Ngô Ngọc Thư – Phó Giám đốc Sở phân trần khi được hỏi về sự biến tướng này: “Nói “thuê bằng” thì cũng hơi quá, bởi việc tổ chức dạy thêm này khác với việc dược sĩ cho hiệu thuốc “đứng” bằng, mỗi tháng thu mấy triệu đồng. Sở thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 17. Còn chuyện “biến tướng” là điều không thể tránh khỏi. Sắp tới, Sở GDĐT Phú Yên sẽ tổ chức kiểm tra về vấn đề DTHT”.

Còn tại Bắc Giang, ông Nguyễn Tiến Quang – Chánh Thanh tra Sở GDĐT cho biết: Quy định của Thông tư 17 về việc không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, đang bị nhiều giáo viên “lách”. Cụ thể, qua thanh tra, Sở GDĐT Bắc Giang đã phát hiện nhiều trường hợp giáo viên xin giấy phép để dạy thêm các môn nghệ thuật, thể dục thể thao nhưng lại lặng lẽ thực hiện dạy văn hoá. “Bộ GDĐT cần bổ sung mức xử phạt đối với giáo viên tiểu học có dạy thêm các môn văn hoá từ 1 – 5 triệu đồng” – ông Quang đề xuất.

Không bắt quả tang, khó phạt

Khi DTHT đang nảy sinh nhiều biến tướng để “lách” các quy định trong Thông tư 17 thì Dự thảo về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được Bộ GDĐT coi như là “liều thuốc mạnh” để dẹp “loạn” DTHT. Theo dự thảo này, sẽ có nhiều mức phạt cho các hành vi DTHT trái quy định, tức là “chủ thể” bị phạt sẽ là giáo viên. Công tác quản lý liên quan đến tình trạng DTHT cũng có khung phạt khá khắt khe. Cụ thể, phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền DTHT không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ. Hành vi cấp phép DTHT không đúng thẩm quyền bị đề xuất mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng…

Tuy nhiên, nhiều người “ái ngại” những mức phạt này sẽ khó khả thi. Phụ huynh Trần Thị Huyền (Mỹ Hào, Hưng Yên) nói: “Làm thế nào để biết được giáo viên cắt giảm chương trình chính khoá để đưa vào dạy thêm? Ai “đột nhập” được vào các lớp học thêm của các cô để ngồi nghe, mà có vào được thì chắc gì biết được kiến thức nào là chính khoá? Cái này chỉ có trời biết, đất biết… học sinh có biết thì cũng chẳng dám tố cô”.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, Thông tư số 17 ban hành nhằm tạo khung pháp lý để quản lý hoạt động DTHT lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu thật của xã hội, từng bước hạn chế và xoá bỏ hành vi tiêu cực này. Thanh tra Bộ sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận các phản ánh về những trường hợp tiêu cực, phản giáo dục liên quan đến DTHT để có hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật. “Chúng tôi chỉ muốn có chế tài hợp lý tác động tích cực ngược trở lại hệ thống. Các hành vi lách luật để tránh phạt nếu bị phát hiện cũng sẽ có chế tài linh hoạt xử lý” - ông Bằng nói.

Một chuyên gia giáo dục còn phân tích rằng: Nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh cũng khác nhau: Có người cho đi học chỉ để cô giáo… trông con, có người cho đi học vì “bạn bè nó đều đi”, có người cho đi vì sợ con bị giáo viên “trù dập”...

Sau Thông tư 17, các giáo viên tổ chức dạy thêm đều yêu cầu phụ huynh viết đơn xin học cho con một cách tự nguyện. Dù vì lý do gì, khi phụ huynh ký vào giấy đó là mặc nhiên “tự nguyện”.

Như vậy, không thể chỉ đổ lỗi cho giáo viên (thậm chí nhiều phụ huynh còn năn nỉ giáo viên mở lớp). Với “vấn nạn” này, cần sự thay đổi tâm lý “yêu lấy thầy” bằng cách khuyến khích giáo viên dạy thêm của chính phụ huynh.

Chính vì “tương tác” giữa 2 bên giáo viên - phụ huynh như vậy, ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GDĐT Ninh Bình cho rằng: “Nên đẩy mạnh việc tuyên truyền hơn là lôi nhau ra phạt.

Nếu phụ huynh không nhận thức được việc cho con đi học thêm tràn lan, vô bổ là tiếp tay cho căn bệnh dạy thêm trầm kha thì có xử lý cơ sở dạy thêm cũng vô nghĩa. Hơn nữa, việc xử lý tại các cơ sở rất khó khăn, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi cơ chế hiện nay là đến đâu cũng phải báo cáo, phối hợp… nên muốn bắt quả tang để phạt là vô cùng khó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh - Hùng Phiên (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN