Lạ mắt vườn cây từ vật dụng tái chế của học sinh lớp 8
Sau hai tháng mày mò từ các vật dụng bỏ đi, cấy và chăm trồng từng nhánh cây hay hạt giống, vườn thực vật do một nhóm học sinh khối 8 của Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) nay đã xanh tươi và đẹp mắt.
Xuất phát từ ý tưởng của cô Hiệu trưởng Trần Thúy An và sự hướng dẫn của giáo viên tổ Sinh học, nhóm HS khoảng 20 em lớp 8A1 và 8A2 đã xung phong tự tay chuẩn bị và hoàn tất vườn cây này. Trong đó, hai em phụ trách chính là Nguyễn Lê Khanh và Trần Việt Mai Phương.
Tận dụng những khoảng không trống tại các ban công, sảnh trường, từ đầu tháng 9, các em đã bắt đầu đo đạc diện tích, thiết kế khung sắt, chuẩn bị các vật liệu trồng cây như bồn cây, đất, cây trồng, phân bón...
Với sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ nghiên cứu khoa học của nhà trường do phụ huynh đóng góp, các em tự đi mua khung sắt và các vật dụng liên quan. Các em còn biết nhờ sự giúp đỡ thêm của chú bảo vệ, giáo viên để ghép và dựng những khung sắt đó thành các dãy kệ đặt bồn cây.
Một góc vườn thực vật do chính nhóm HS lớp 8 thực hiện.
Còn lại, các em tận dụng các vỏ chai lọ, hộp, bình nước cũ, bồn nước và tất cả vật dụng đã qua sử dụng để chắp ghép lại, cắt đục lỗ thoát nước.
Các thùng nước đã không còn sử dụng được các em cắt, đục để trồng cây.
Sản phẩm ban đầu là đây.
Sau đó, các em đưa đất vào và gieo trồng hạt giống hoặc những cây non vào trong đó. Phân bón cho cây cũng chính là những thực phẩm dư thừa từ nhà bếp.
Hai bồn nước khổng lồ được trồng rau xung quanh.
Thầy trò cũng làm.
Thực phẩm dư thừa từ nhà bếp dùng làm phân bón cho cây.
Tổng vườn cây này có hai bồn nước khổng lồ, 52 bồn nước to loại 21 lít và 26 bồn nước nhỏ, cùng nhiều loại thùng ống khác. Tại đây, hàng chục loại cây đã được các em chăm trồng rất cẩn thận như nhóm rau củ quả, nhóm rau thơm, cây cảnh, các loại cây thuốc... Mỗi cây đều được gắn chú thích bằng tiếng Việt và tiếng Anh để mọi người dễ nhận biết. Mỗi ngày, các em cũng tự phân công nhau để chăm tưới.
Kết quả đã xanh tươi như thế này.
Giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho các em là cô Đặng Thị Mỹ Hạnh, phụ trách bộ môn Sinh học, cho biết dự án này để phục vụ cho khối lớp 6 học là chính nhưng các HS rất nhiệt tình và năng động. Vì các em đã học qua lớp 6 và 7 nên hiểu về sinh học, cũng như công nghệ trồng cây hơn. Hơn nữa, các em đã biết hình ảnh trong sách chỉ minh họa là chính, thiếu thực tế nên thôi thúc các em làm dự án này hơn.
“HS rất ý thức trong quá trình thực hiện và nhận được sự giúp đỡ của nhiều bạn bè. Ngay cả phụ huynh khi biết đến ý tưởng này cũng hỗ trợ thêm cái này cái kia, nay cho đất, mai lại mang vào cây hoặc cành gì đó cho các em trồng, khiến cô trò đều rất vui. Những loại rau sạch còn được cô trò hái để gửi tặng giáo viên hoặc nhân viên nào đó đang có con nhỏ để họ về nấu ăn, HS lớp 6 thích thú học hơn khiến vườn cây trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều” - cô Hạnh hứng khởi nói.
Sản phẩm cây xanh trồng từ bếp đúc, lọ chai.
Một góc vườn thực vật đa dạng ở sảnh trường.
Cây lớn lên trong bình nhựa.
Những tấm thớt đã bỏ cũng được tận dụng làm bồn cho cây rau ngót và càng cua.
Hiệu trưởng Trần Thúy An cho hay đây là một trong những dự án hướng đến việc học để ứng dụng thực tế của trường. Như vườn cây này không chỉ tạo nên mảng xanh trong nhà trường, làm đẹp khuôn viên trường mà quan trọng là nơi thực hành, ứng dụng thực tế, phục vụ học tập cho các môn học liên quan như sinh học, công nghệ (trồng cây), giáo dục công dân (môi trường), văn (thuyết minh)...
“Vì các em tự làm nên các em sẽ trân trọng, giữ gìn và chăm sóc để duy trì tốt vườn cây này hơn. Các em sẽ hiểu hơn về từng loại cây, từ quá trình sinh trưởng, tác dụng, đặc điểm... Ngay cả phụ huynh đi lại cũng thích thú và góp thêm cây này, vật dụng kia cho các em làm. Hoặc là từ thực hành ở trường, các em có thể về nhà tự thiết kế, tạo vườn cây trong khuôn viên nhà mình. Như thế kiến thức được ứng dụng thực tế hiệu quả hơn” - cô An nói.