La mắng con cái theo 5 cách này, trẻ ngày càng xa lánh cha mẹ
La mắng trẻ có mục đích, trẻ dám nhận lỗi và sửa sai, đó là kết quả tốt nhất của việc dạy dỗ con cái.
Khi trẻ mắc lỗi, việc phê bình, la mắng là một trong những phương pháp giáo dục được nhiều cha mẹ áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế thì những lời la mắng này không phải lúc nào cũng có tác dụng với trẻ.
Một số trẻ tỏ ra ghét bỏ, xa lánh cha mẹ mình vì bị chỉ trích nhiều lần, nghĩ rằng cha mẹ quá nghiêm khắc. Trong khi đó, một số trẻ khác hoàn toàn không để tâm tới những lời la mắng này và tìm cách để cha mẹ không phát hiện khi mình phạm lỗi.
Những kiểu la mắng, phê bình của cha mẹ dưới đây ngoài ảnh hưởng tới sự tự tin của trẻ còn khiến chúng thù hận cha mẹ hơn.
1. Những lời la mắng chỉ để cha mẹ trút bỏ sự tức giận của mình
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ rất dễ tức giận. Sự tức giận này bắt nguồn từ sự thất vọng với con cái, thất vọng về bản thân. Lúc này, biểu hiện của cha mẹ giống như “giận cá chém thớt”, hướng sự trút giận vào con mình.
Chẳng hạn, thấy phòng con bừa bộn, cha mẹ tức giận quát: "Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi mà con không nghe. Mẹ phải phục vụ con tới khi nào đây hả”.
Nói xong thì họ vừa cằn nhằn vừa thu dọn phòng cho con mình.
Đối mặt với kiểu la mắng này, tuỳ theo từng đứa trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau như sợ hãi, rụt rè, phớt lờ, nổi nóng với cha mẹ. Nhưng kết quả cuối cùng gần như giống nhau: Ít có tác dụng trong việc giảm hành vi sai trái của con cái.
Đối với một số đứa trẻ nhạy cảm, kiểu chỉ trích cảm tính này là một tai hoạ.
Một cậu bé có bố rất nghiêm khắc, mỗi khi cậu làm sai điều gì, tiếng mắng mỏ của người bố vang khắp làng xóm. Dưới sự khắt khe từ bố mình, cậu bé học cách đọc sắc mặt của mọi người, đồng thời rất nhạy cảm với cảm xúc của mọi người xung quanh, lòng tự trọng cũng rất thấp.
Sự tức giận của cha mẹ có tác động đến hầu hết mọi giai đoạn quan trọng của con cái ở tuổi thiếu niên. Nó như bóng đen bao phủ lâu dài lên cuộc đời, huỷ hoại EQ của trẻ từng ngày.
2. Những lời la mắng gắn nhãn tiêu cực
Nếu con cái học kém, cha mẹ nói “con đúng là học dốt”, thay vì nói “con học chưa đủ chăm chỉ”.
Nếu trẻ không chào hỏi người lớn, cha mẹ nói “con rụt rè quá, con vô dụng”, thay vì nói “con chưa sẵn sàng với việc chào”.
Nếu trẻ nói dối, cha mẹ nói “con là một đứa trẻ xấu tính”, thay vì nói “nói dối là một hành vi xấu”.
Khi cha mẹ gắn nhãn cho con mình là ngu ngốc, lười biếng, chậm chạp, học dốt…, trẻ sẽ nghĩ “dù mình cố gắng cũng vô ích, tốt nhất không nên làm gì nữa”. Điều này sẽ khắc sâu vào tâm trí của trẻ, ngăn cản chúng phát triển theo hướng tích cực.
Khi cha mẹ chỉ trích con cái, họ nên nhìn vào sự thật và đánh giá hành vi của trẻ, thay vì chỉ trích nhân cách, phẩm chất một cách tiêu cực như vậy.
3. Những lời la mắng nói ra sai thời gian, địa điểm
Có nhiều cha mẹ chỉ trích, la mắng con cái bất kể lúc nào, bất kể ở đâu, chỉ cần con cái khiến họ không hài lòng, dù xảy ra chuyện gì cũng nên dạy dỗ ngay tại chỗ.
Trên thực tế, lòng tự trọng không phải chỉ người lớn mới có, trẻ em đang tuổi lớn rất nhạy cảm khi bị cha mẹ la mắng trước mặt người khác. Phản ứng của trẻ khi bị la mắng trước đám đông là rất xấu hổ, ngay cả khi cha mẹ nói có lý đi chăng nữa, trẻ cũng không nghe thấy.
Dù là trước mặt người thân, trên đường phố, trong nhà hàng, hay ở trường học… cha mẹ đều phải thận trọng khi dạy con trước mặt người khác.
4. Những lời la mắng tập trung quá nhiều vào sai lầm của trẻ
Có một cô bé từng nói với cha mẹ mình rằng: “Bố mẹ hãy nhìn người ta giáo dục trẻ em trong phim mà học hỏi, không la mắng, không đánh đập, chỉ phê bình để trẻ sửa sai. Tại sao bố mẹ cứ quát tháo con hoài vậy, vậy ai là người nghe con nói đây”.
Cách lý luận nghiêm túc của cô bé khiến nhiều người thích thú, đồng thời cũng phản ánh nguyện vọng của nhiều trẻ em, mong cha mẹ khi dạy dỗ mình có thể hạ giọng, tập trung vào việc sửa sai thay vì liên tục nhấn mạnh mình đã làm sai.
Chỉ cần cha mẹ cảnh báo trẻ làm thế nào để tránh những vấn đề như vậy trong tương lai, thể hiện sự tin tưởng của mình với con, khuyến khích chúng tự sửa sai, trẻ sẽ dần khắc phục được và tránh lặp lại sai lầm của mình sau này. Điều quan trọng hơn việc la mắng là dạy trẻ nhận ra lỗi lầm và sửa sai.
5. Những lời la mắng lạnh lùng
Một số bậc cha mẹ chọn cách thờ ơ để con cái nhận ra lỗi lầm của mình.
Có một đứa trẻ ngồi trên xe buýt chọc tức mẹ mình sau đó khóc lóc xin lỗi. Thế nhưng, người mẹ liên tục đẩy con ra với thái độ thờ ơ và từ chối: “Mẹ không muốn quan tâm tới con nữa, mặc kệ con muốn làm gì thì làm”.
Tình huống như vậy rất phổ biến trong cuộc sống. Những đứa trẻ nghịch ngợm, cha mẹ nói nhưng không nghe khiến họ tức giận và chọn cách thờ ơ với trẻ. Họ thường nói “con đừng có ôm mẹ, con biết mình đã làm sai cái gì không”.
Cha mẹ ép con “phục tùng” bằng cách “mặc kệ con cái”.
Đối với con cái, việc bị cha mẹ la mắng không đáng sợ bằng sự hắt hủi, ghẻ lạnh từ cha mẹ. Phương pháp này tuy có vẻ khiến trẻ ngoan ngoãn phục tùng nhưng lại không khiến chúng nhận ra sai lầm, mà ngược lại khiến trẻ cảm thấy cha mẹ không còn yêu thương mình sau khi mắc lỗi.
So với la mắng, tác hại do hành vi này gây ra tinh tế và khó loại bỏ hơn, thậm chí nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ và những người khác khi trưởng thành.
Khi chỉ trích một con cái, hãy để đứa trẻ biết rằng cha mẹ vẫn yêu thương con nhưng không chấp nhận hành vi sai trái con gây ra.
Mục đích của những lời la mắng là để trẻ biết mình đã làm sai điều gì và phải làm thế nào để bù đắp lỗi lầm chứ không đơn thuần là để cha mẹ trút cơn tức giận. Nguyên tắc dạy dỗ con cái cần thực hiện trên cơ sở giữ lòng tự trọng cho con, tôn trọng con. Nếu không có nguyên tắc này thì việc la mắng trở nên vô nghĩa.
Thông qua đoạn đối thoại của 2 mẹ con này, các bậc cha mẹ sẽ nhận ra nhiều bài học cho mình.
Nguồn: [Link nguồn]