Kỳ vọng thái quá của bố mẹ và sợi dây “trói” những đứa con
Bất kì bậc phụ huynh nào cũng có thể đặt hy vọng, niềm tin vào con cái. Tuy nhiên, khi kỳ vọng quá cao xa, cha mẹ lại vô tình tạo áp lực khiến trẻ rơi vào trầm cảm, bế tắc thậm chí là dẫn đến tự tử.
Như vụ việc một em nam sinh ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM) nhảy lầu tự sát năm 2018 và để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ sự khủng hoảng tinh thần trước áp lực học hành đang làm xôn xao dư luận.
Một sự việc buồn và có thể nói là bi thảm. Để nuôi dạy được một người con 17, 18 tuổi, người bố, người mẹ đã mang nặng, đẻ đau, đã phải bế ẵm, thức trắng bao đêm. Sự kì vọng của cha mẹ dành cho em nó khủng khiếp mức nào mà khiến học sinh này phải quyên sinh?
Thế nhưng, một thực tế hiện nay mà chúng ta đều nhìn thấy là vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ chưa nhận ra việc kỳ vọng lớn có thế gián tiếp “xiết cổ” những đứa trẻ mà bậc cha mẹ hết mực thương yêu. Họ vẫn không ngừng tạo áp lực cho con trẻ bằng những mục tiêu lớn lao và khiến con mình phải khổ sở vì những mục tiêu đó.
Đó một trong những nguyên nhân tạo ra phần đời đau đớn của Tuấn Anh – một cựu học sinh trường THCS Cầu Giấy.
“Tôi sinh ra bởi một người mẹ cầu toàn và một người bố phó mặc việc nuôi dạy con cái cho vợ. Bố tôi là một nhiếp ảnh gia, ông có sở thích đi khắp nơi, “mò mẫm” những gì mới lạ mà người ta chưa từng tìm đến và mơ ước của ông là chụp những bức ảnh “để đời”. Thế nhưng, sau gần 20 năm làm thợ nháy ông vẫn chưa chụp được bức ảnh “để đời đó”.
Còn mẹ tôi – người phụ nữ làm buôn bán nên sống rất hiện thực, không mơ mộng như bố tôi. Bà thường hay cằn nhằn về “thói nghệ sĩ nửa vời” của bố và coi nhẹ lời nói của bố. Vì thực tế, từ chuyện ăn học của anh em tôi đến chuyện đối nội, đối ngoại, lo kinh tế gia đình một tay bà lo hết, vì thế bà thường quan niệm “chồng là thứ có cũng được, không cũng không sao”.
Tuổi thơ của hai anh em tôi gắn liền với những con số trong tập bài kiểm tra và những trận đòn trầy da đến tím mông. Mẹ tôi – chủ của một nhà hàng với bản tính rất cầu toàn, với mẹ, mọi thứ phải hoàn hảo và mẹ không cho phép có một lỗi nào xảy ra và tất nhiên không chấp nhận bất cứ lý do nào.
Vì lẽ đó mà bà cũng không bao giờ chấp nhận chúng tôi được điểm kém dù là lý do tôi ốm hay tôi mệt. Chỉ cần bị điểm dưới 9 là chúng tôi xác định hôm ấy mẹ đi làm về sẽ ăn đòn nhừ tử. Có lần, tôi bị sốt đến 39,5, quá mệt nên tôi không thể tập trung làm bài kiểm tra được. Hôm ấy, bài kiểm tra Toán học tôi được có 8,5 điểm.
Mẹ vừa đi làm về tôi vội giải thích là hôm ấy tôi ốm, sau khi làm bài kiểm tra đã phải lên phòng y tế nằm và mẹ phải đến đón tôi sớm. Thế nhưng, mẹ không chấp nhận lý do đó. Thấy bài kiểm tra không phải điểm 10, mẹ đã gào lên. Thực sự là mẹ gào lên hung dữ và nhìn tôi như tội đồ.
Mẹ lao vào giật tóc và tát tôi đến ngấu nghiến. Tôi chỉ biết ôm mặt khóc và van xin mẹ tha thứ. Thế nhưng, dường như tôi đã làm mẹ quá thất vọng với những gì mà mẹ từng hi vọng ở tôi, mẹ lấy chiếc thắt lưng da quật liên tiếp vào lưng và mông tôi.
Thấy tôi gào khóc đến điên dại, em gái tôi từ trong phòng chạy ra đã quỳ xuống xin mẹ tha cho tôi nhưng mẹ không đồng ý và liên tục nói “ra khỏi nhà ngay, mày làm mẹ quá thất vọng, mày có biết mẹ hi sinh, vất vả đến nhường nào để anh em chúng mày có cuộc sống tốt không?”.
Tôi bị cam và rất hay chảy máu mũi, hôm ấy, máu trong mũi tôi tuôn ra ồng ộc nhưng mẹ vẫn liên tiếp đánh tôi. Em gái tôi van xin không được nên đã chạy vào ôm chặt để đỡ roi cho tôi. Vậy là cả 2 anh em tôi đều bị ăn đòn đến nhừ tử mặc dù em tôi không hề có lỗi gì.
Cha mẹ xin đừng kỳ vọng và tạo quá nhiều áp lực cho con (ảnh minh họa)
Từ sau hôm ấy, tôi lao đầu và học, không cho phép mình có bất cứ sai sót nào. Tôi không cho phép bản thân được ốm, không cho phép làm bài kiểm tra sai. Nhưng rồi, mẹ không dừng lại ở việc yêu cầu tôi phải dẫn đầu lớp nữa. Mẹ đặt cho tôi mục tiêu cao hơn là luôn luôn phải có thành tích dẫn đầu khối học. Và tôi thì cứ thế, như một con gà công nghiệp làm theo những gì mà mẹ hi vọng.
Nhưng rồi một cú sốc đến với tôi, tôi chính thức trượt khi tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp thành phố. Không cần nói mọi người cũng biết mẹ tôi đánh tôi thế nào. Lần này, mẹ tôi đuổi tôi ra khỏi nhà, mặc kệ sự sống chết của tôi.
Tôi lang thang cả đêm đến cơ quan tìm bố nhưng không thấy. Thực sự, lúc đó, tôi thèm được bố ôm ấp, vỗ về. Sau 2 ngày lang thang thì mẹ cho tôi về nhà nhưng lại vô cùng lạnh lùng, coi như tôi không tồn tại trên thế giới. Và rồi, tôi quyết định tìm đến cái chết như một sự giải thoát và phương pháp tôi dùng là thuốc diệt chuột.Tôi đến hiệu thuốc bảo vệ thực vật ngay gần nhà, nói dối là mua thuốc diệt chuột giúp mẹ. Hôm đó, đi học về, tôi viết cho bố mẹ một lá thư xin lỗi vì không thể hoàn thành được kỳ vọng của mẹ và tôi muốn buông bỏ, muốn cho mình một lối thoát. Sau đó tôi uống thuốc và lịm đi.Khi có chút ý thức thì tôi thấy mình đang trong bệnh viện, nghe đâu hôm ấy đang ở cửa hàng nhưng mẹ quên tiền thanh toán cho nhân viên nên mẹ về sớm và phát hiện ra tôi mê man nên vội vã gọi người hỗ trợ đưa tôi đi cấp cứu. May mắn, tôi được các bác sĩ rửa ruột và cứu sống. Khi thấy tôi có chút ý thức, mẹ đã ôm chặt tôi và nói “mẹ xin lỗi, từ nay mẹ sẽ không bắt con làm những thứ con không thích nữa. Chỉ cần con vui và khỏe mạnh đó là hạnh phúc của mẹ”. Kể từ ngày đó, tôi thực sự được là mình, được mẹ yêu thương, được học những môn học mà tôi thích….Thực sự bây giờ khi nghĩ lại tôi thấy mình tiêu cực khi chọn kết thúc cuộc đời bằng thuốc diệt chuột nhưng tôi lại không hối hận vì hành động đó. Nếu tôi không quyết liệt, không biết tôi còn phải sống vì ước mơ của mẹ đến bao giờ…”.
Có thể thấy trong mắt những đứa trẻ, việc tương lai thành người giàu có, thành đạt, giỏi giang, nổi tiếng chẳng có ý nghĩa gì, điều chúng muốn bây giờ là được vui vẻ, thoải mái, nô đùa…
Do đó, cha mẹ không nên quá quan tâm đến điểm số của kỳ thi mà can thiệp vào việc lựa chọn của con, hãy để con tự quyết định thi môn gì, học trường nào...Đừng bắt con trẻ phải sống theo ước mơ của người lớn.
Cái chết của một cậu bé tuổi teen mà nguyên nhân xuất phát tự việc bị tổn thương sâu sắc do những lời nói ác ý.
Nguồn: [Link nguồn]