Kỳ tích của nữ thủ khoa mồ côi

Sự kiện: Giáo dục

Vượt lên nỗi bất hạnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và những người thân, con đường đến trường gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, cô học trò người H’rê Đinh Thị Huệ ở vùng cao xã Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) vẫn viết nên kỳ tích khi bước chân vào cổng trường Đại học với ngôi vị thủ khoa.

Sinh viên Đinh Thị Huệ

Sinh viên Đinh Thị Huệ

Đinh Thị Huệ hiện đang học năm 1 ngành Sư phạm mầm non Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Cô là niềm tự hào của dân làng Tanh (xã Sơn Ba). Thêm một tin vui đến với Huệ và gia đình cùng thầy cô, giáo, bạn bè là Huệ được nhận học bổng của Chương trình Nâng bước thủ khoa 2020 do báo Tiền Phong tổ chức.

Bố bỏ đi khi Huệ vừa lọt lòng. Một mình mẹ Huệ phải vất vả với mấy sào lúa, rồi đi bóc vỏ keo thuê để nuôi con. Năm Huệ 13 tuổi, mẹ phát hiện bị ung thư rồi qua đời. Nước mắt rưng rưng, Huệ kể thời gian ấy việc học của em rất sa sút. Có nhiều lần em nghĩ đến chuyện giải thoát cho bản thân, nhưng người thân và thầy cô, bạn bè quan tâm động viên em. Một thời gian dài suy ngẫm em cũng vượt qua được.

Kể từ ngày mẹ mất, Huệ sống với cậu mợ Hai, gia đình cũng rất khó khăn. Một mình mợ phải bươn chải để nuôi thêm đứa cháu nội mồ côi cha nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Hai năm sau, mợ Hai cũng mất. Gánh nặng gia đình trông cả vào người cậu là thương binh. Ngoài giờ đến trường, Huệ tham gia làm việc nhà và việc rừng rẫy, đồng áng, tối đến mới có thời gian học bài.

Mặc dù vậy, cô bé mồ côi vẫn nhiều năm liền đạt học sinh khá. “Em luôn tự hứa với mình phải cố gắng học hành đến nơi đến chốn. Có kiến thức thì mình mới có thể thoát nghèo được”, Huệ chia sẻ.

Năm Huệ học lớp 12, cậu Hai cũng qua đời vì bạo bệnh, Huệ sống với người mợ thứ tư là bà Đinh Thị Lép. “Ngày nào nó đi học thì thôi, không đi học thì lại cặm cụi vào rừng để bóc vỏ keo, trồng keo, nhặt củi, chăn bò thuê”, bà Lép kể.

“Lúc nghe tin cháu thi đỗ, tôi phải chạy vay mượn hàng xóm từng đồng để cho cháu đi học”, bà Lép thổ lộ. Tự hào về đứa cháu gái chăm ngoan và học giỏi, nhưng bà Lép không khỏi lo lắng về những ngày sắp tới của Huệ.

Còn Huệ cũng không giấu được nỗi lo âu bởi người mợ nuôi mình đã cao tuổi, không làm được những việc nặng. “Em sẽ cố gắng học hành để sau này khi ra trường có thể giúp phần nào đó cho gia đình đặc biệt là chăm sóc mợ trong khoảng thời gian còn lại”, Huệ đặt quyết tâm.

Cô Ngô Thị Thùy Trang - giáo viên chủ nhiệm Huệ suốt 3 năm cấp 3, chia sẻ: “Huệ rất hiếu học, học tốt và chăm ngoan, là học sinh tiêu biểu của trường, dù hoàn cảnh của em rất đặc biệt. Tôi tin sau này Huệ sẽ thành công”.

Nguồn: [Link nguồn]

Thầy giáo chuyên cai nghiện game cho “học trò hư“

Khoảng chục năm nay, cứ lớp nào có nhiều học sinh cá biệt là Trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) lại giao cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Ngọc ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN