Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Thanh tra sẽ phủ kín điểm thi

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Bộ trưởng yêu cầu công tác tổ chức thi phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém. Các công việc phải có kế hoạch cụ thể; phân công trách nhiệm đúng vai, rõ người, rõ trách nhiệm…

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ hướng tới tổ chức thanh tra, kiểm tra ở tất cả khâu của kỳ thi tại các phòng thi, điểm thi và Hội đồng thi. Theo đó, tổ chức thanh tra kiểm tra ở 3 cấp (cấp bộ, tỉnh và sở). Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp về nội dung, phương pháp cách thức kiểm tra, thanh tra, huy động lực lượng thanh tra kiểm tra và công tác tập huấn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi nhưng Bộ GD&ĐT sẽ huy động lực lượng này để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể: Với giảng viên đại học được huy động, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 2 nhóm: Nhóm thứ 1, thanh tra kiểm tra ở cấp Bộ (Đoàn của Bộ đi thanh tra, kiểm tra tại 63 địa phương). Nhóm thứ 2, huy động cán bộ giảng viên để bổ sung, hỗ trợ cho các sở GD&ĐT thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác coi thi tại địa phương.

Ngoài lực lượng thanh tra của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT như mọi năm, sẽ có thêm lực lượng thanh tra tỉnh. Thanh tra cấp tỉnh theo quy định của Luật Thanh tra, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Để làm tốt việc này, Thanh tra Chính phủ sẽ cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Thanh tra Bộ GD&ĐT tham mưu lãnh đạo Bộ để có hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.

Phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra của Bộ là công tác chỉ đạo và tổ chức kỳ thi của các sở GD&ĐT. Đối tượng thanh tra, kiểm tra của Thanh tra tỉnh là công tác tổ chức kỳ thi của tỉnh. Đối tượng thanh tra, kiểm tra của sở GD&ĐT là công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi, công tác xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh.

Thực tế cho thấy, công tác tập huấn thanh tra vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng hiệu quả cho thanh tra viên khi thực hiện chức năng nhiệm vụ đồng thời mang đến hiệu quả chung cho kỳ thi. Năm nay, công tác tập huấn cho cán bộ, giảng viên trường đại học và các sở GD&ĐT tham gia công tác thanh tra, kiểm tra là khâu được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lưu động tại các sở GD&ĐT và tăng cường việc thanh tra kiểm tra của Bộ GD&ĐT tại kỳ thi. Nếu như năm 2019, Thanh tra Bộ tổ chức 34 đoàn đi 63 sở GD&ĐT, năm nay dự kiến 63 sở GD&ĐT đều có đoàn kiểm tra của Bộ. Các đoàn thanh tra ngoài cán bộ công chức của Bộ GD&ĐT còn có sự tham gia của các giảng viên đại học.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN