Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có những điểm mới gì đáng lưu ý?

Hiện tại, thí sinh trên phạm vi cả nước đã bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi trong công tác tổ chức thi, thí sinh chỉ được đăng ký một tổ hợp môn để thi…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức vào các ngày 9, 10/8 tới. Ảnh minh họa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức vào các ngày 9, 10/8 tới. Ảnh minh họa

Giảng viên đại học chỉ tham gia thanh tra

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức vào các ngày 9, 10/8 tới. Chia sẻ về những điểm mới của kỳ thi, ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, điểm mới lớn nhất của kỳ thi là thay đổi mục tiêu tổ chức. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có mục tiêu chính là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kết quả của kỳ thi còn làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Trường đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Cũng theo ông Phạm Quốc Khánh, do thay đổi mục tiêu nên việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh. Cụ thể, kỳ thi được giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức tại địa phương. Việc tổ chức kỳ thi có sự liên quan đến nhiều Bộ ban ngành. Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã quy định: Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải là lãnh đạo UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh cũng được yêu cầu có mặt trong thành viên Ban Chỉ đạo thi này. Công tác coi thi của kỳ thi cũng có điểm mới là không có sự tham gia của giảng viên các trường đại học, cao đẳng.

Quy chế kỳ thi cũng quy định rõ, Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi (không phụ trách cơ sở vật chất), cán bộ coi thi và cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại Điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm 2020. Mỗi phòng thi bố trí 02 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau; mỗi cán bộ giám sát thực hiện giám sát không quá 03 phòng thi trong cùng một dãy phòng thi. Cán bộ coi thi được tham gia bắt thăm phân công nhiệm vụ coi thi, bảo đảm nguyên tắc một cán bộ không coi thi quá một lần tại một phòng thi trong kỳ thi.

Quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có) đặc biệt là tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho Trưởng Điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý. Do đó, theo ông Phạm Quốc Khánh: "Các địa phương tập huấn kỹ lưỡng quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT tới toàn bộ cán bộ, giáo viên được phân công tham dự tổ chức kỳ thi".

Những lưu ý trong đăng ký dự thi

Ngày 15/6, thí sinh trên phạm vi cả nước đã chính thức làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng đợt 1. Thời hạn đăng ký nộp hồ sơ dự thi sẽ kết thúc vào ngày 30/6. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc người đứng đầu đơn vị đăng ký dự thi, hoặc Trưởng điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung. Theo quy định, các thí sinh đang theo học lớp 12 trong năm 2020 đăng ký, nộp hồ sơ dự thi tại các trường THPT đang theo học. Các thí sinh tự do đăng ký nộp hồ sơ tại các điểm do Sở GD&ĐT quy định.

Khác biệt với mọi năm có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp, năm nay, thí sinh chỉ được đăng ký một trong hai tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Tại Quy chế kỳ thi cũng nêu rõ: "Các đối tượng dự thi phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn", các thí sinh cần lưu ý xem kỹ lưỡng các quy định, tránh trường hợp để xảy ra sai sót. Về nguyện vọng xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký không giới hạn số lượng.

Hồ sơ đăng ký dự thi gồm hai phiếu có nội dung giống nhau (nơi nhận hồ sơ giữ phiếu số 1 và thí sinh giữ phiếu số 2 để đối chiếu trong trường hợp cần thiết). Nội dung phiếu đăng ký dự thi gồm 4 phần chính: Thông tin cá nhân, thông tin đăng ký thi, thông tin để xét công nhận tốt nghiệp THPT và phần thông tin dùng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Sau khi nhận hồ sơ, thông tin của các thí sinh sẽ được đơn vị tiếp nhận cập nhật lên hệ thống dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian đăng ký dự thi, một số giáo viên THPT lưu ý, những năm gần đây, kỳ thi luôn có những thí sinh điền thiếu, sai thông tin trong phiếu đăng ký dự thi. Điều này làm mất thêm thời gian để bổ sung, điều chỉnh, thậm chí đã có nhiều thí sinh bị mất quyền lợi, trượt "oan" khi xét tuyển vào đại học. Đối với thí sinh được ưu tiên theo hộ khẩu thường trú, ghi cho đúng khu vực ưu tiên được hưởng. Vì thế, hết sức lưu ý ngay từ khâu làm đăng ký dự thi. Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh phải ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ vào các mục theo yêu cầu và không sửa chữa, tẩy xoá.

Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản giữ ổn định hình thức thi như năm 2019. Theo đó, có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh bậc THPT phải làm 4 bài gồm 3 bài độc lập bắt buộc và 1 bài tổ hợp tự chọn; thí sinh GDTX dự 2 bài độc lập bắt buộc và 1 bài tổ hợp tự chọn. Khác năm 2019 thí sinh được đăng ký cả 2 bài tổ hợp thì năm nay các em chỉ được dự thi duy nhất 1 bài tổ hợp, môn thi thành phần của 1 bài thi tổ hợp.

Hà Nội có bao nhiêu học sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT 2020?

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hà Nội tăng gần 2.000 thí sinh so với năm trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN