Kỳ thi THPT Quốc gia 2020: Tăng cường bảo mật chấm thi, bảo quản bài thi

Sự kiện: Giáo dục

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2020 cơ bản giữ nguyên so với năm 2019. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh, bổ sung nhằm tăng cường bảo mật công tác chấm thi, phúc khảo bài thi.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 cơ bản được giữ nguyên như năm 2019 tuy nhiên có sự điều chỉnh, bổ sung liên quan đến công tác bảo mật chấm thi. Ảnh minh họa: Q.Anh

Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 cơ bản được giữ nguyên như năm 2019 tuy nhiên có sự điều chỉnh, bổ sung liên quan đến công tác bảo mật chấm thi. Ảnh minh họa: Q.Anh

Cơ bản giống năm 2019

Kỳ thi THPT Quốc gia 2020, tức là còn khoảng hơn 4 tháng nữa là bắt đầu, tuy nhiên đến nay kỳ thi được tổ chức ra sao vẫn đang là "ẩn số", bởi theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm nay cơ bản giữ nguyên như kỳ thi năm 2019, nhưng sẽ có một số điều chỉnh, bổ sung mới cho phù hợp, đặc biệt là tăng cường công tác bảo mật đề thi, chấm thi. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, mục tiêu của của Bộ là tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020 gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy.

"Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 dùng để đánh giá kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học, từ đó tác động tích cực trở lại đổi mới quá trình đổi mới phương pháp dạy-học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Kết quả này đồng thời dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ", ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Như vậy, kỳ thi năm 2020 về cơ bản cũng sẽ giữ nguyên như năm 2019, bao gồm 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Đề thi cho mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Riêng bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ. Độ phân hóa kiến thức khoảng 80% là thuộc về lớp 12, phần còn lại sẽ thuộc về phạm vi lớp 11.

Về sự khác biệt của kỳ thi năm nay, theo Bộ GD&ĐT, do Kì thi THPT Quốc gia 2020 giữ ổn định nên Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa. Giáo viên, học sinh có thể căn cứ vào đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 6/12/2018 để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2020.

Tăng cường tính bảo mật trong chấm thi

Những điểm mới của kỳ thi THPT Quốc gia 2020 đã được Bộ GD&ĐT cụ thể hóa trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/ TT-BGDĐT và Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong đó đáng chú ý là Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 như sau: Việc chấm thi tại mỗi Hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 khu vực. Khu vực chấm thi phải đảm bảo an ninh, an toàn có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, có công an bảo vệ 24 giờ/ngày.

Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo thực tế triển khai tại đơn vị. Đối với công tác chấm thi, dự thảo quy định: Thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi môn đó và theo chỉ đạo của Trưởng ban Chấm thi; mỗi bài thi chấm kiểm tra được chấm bởi một cán bộ chấm kiểm tra theo quy trình chấm lần chấm thứ nhất theo quy định.

Nhằm công tác bảo mật, khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày. Có một cán bộ của trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ tại Điểm thi (Phó Trưởng Điểm thi hoặc thư ký) trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.

Đối với chấm thi phúc khảo, trước khi bàn giao bài thi cho Ban Phúc khảo bài thi tự luận, Ban Thư ký Hội đồng thi phải tra cứu để từ số báo danh, tìm ra số phách bài thi. Rút bài thi, đối chiếu với Phiếu thu bài thi để kiểm tra, đối chiếu số tờ giấy thi; Tập hợp các bài thi của một môn thi vào một túi hoặc nhiều túi, ghi rõ số bài thi và số tờ của từng bài thi hiện có trong túi; dán kín số phách cũ trên bài thi và đánh phách mới. Cán bộ đánh phách phải được cách ly tuyệt đối từ khi thực hiện nhiệm vụ đánh phách đến khi hoàn thành việc chấm phúc khảo. Tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 4873/BGDĐT-QLCL về hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020, trong đó, Bộ lưu ý việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông. Bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh. Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Nguồn: [Link nguồn]

Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2020 có gì đặc biệt?

Dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia 2020, dự kiến điều chỉnh một số nội dung liên quan đến thí sinh và cách thức tổ chức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN