Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Những điều thí sinh cần biết để không bị “trượt oan”

Chỉ còn một tuần nữa, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 chính thức được bắt đầu. Kỳ thi “hai trong một” rất có ý nghĩa đối với nhiều học sinh, không chỉ tốt nghiệp THPT mà còn làm căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Mặc dù kỳ thi này đã có nhiều đổi mới so với năm trước, nhưng nếu thí sinh không nắm chắc các quy định dễ dẫn đến “trượt oan”.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Những điều thí sinh cần biết để không bị “trượt oan” - 1

Thí sinh cần nắm chắc quy chế thi THPT quốc gia để tránh việc mất quyền lợi, “trượt oan”. Ảnh: Q.Anh

Được thay đổi thông tin trước hôm thi

Thời điểm hiện tại, các thí sinh cũng đã được nhận giấy báo thi tại các trường THPT hoặc các Sở GD&ĐT. Theo quy định, ngày 30/6 các thí sinh sẽ tới các điểm thi để nghe phổ biến quy chế thi, điều chỉnh lại một số thông tin sai lệch trong phiếu đăng ký dự thi. Cũng trong ngày 30/6, các trường hợp mất giấy báo thi cũng sẽ được cấp hoặc giải quyết để ngày 1/7 thí sinh được dự thi. Như vậy, khác với mọi năm thí sinh được điều chỉnh và dự thi ngay trong buổi thi đầu tiên. Năm nay, thí sinh chỉ được giải quyết điều chỉnh thông tin, giấy báo thi trước ngày thi.

Theo Bộ GD&ĐT, ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi rất quan trọng đối với các thí sinh. Bởi đây là khâu cần thiết để thí sinh điều chỉnh các sai sót về họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, đối tượng ưu tiên có thể bị nhầm lẫn trong quá trình nhập liệu. Thông tin chỉ được điều chỉnh, bổ sung trong ngày 30/6, sau ngày này mọi thay đổi, bổ sung đều không có giá trị. Còn nhớ, trong kỳ thi năm 2015, nhiều thí sinh đã bị trượt vì khai sai đối tượng, mất điểm ưu tiên… Do đó, ngày làm thủ tục dự thi rất quan trọng, thí sinh phải tới để nắm chắc quy chế, lịch thi, để có tâm lý làm quen với kỳ thi.

Một điểm lưu ý khác, thí sinh cần có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban Coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó. Khi vào phòng thi, thí sinh phải trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi, ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình.

Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay.

Tránh trượt oan vì mang điện thoại

Theo quy chế thi THPT Quốc gia 2016, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành). Các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Thí sinh không được phép mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi. Một điểm đáng lưu ý nữa, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vừa qua, có rất nhiều thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Theo quy định, thí sinh khi bị phát hiện mang điện thoại di động vào phòng thi dù dùng hay tắt nguồn vẫn bị lập biên bản, đình chỉ thi, không được xét tốt nghiệp.

Liên quan tới công tác tổ chức thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay, tất cả các khâu chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đã được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Bộ đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác bố trí cán bộ, chuẩn bị cơ sở vật chất để chủ trì các cụm thi được thuận lợi. Bộ hướng dẫn các trường thực hiện tốt quy chế tuyển sinh, đảm bảo công tác tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc, công bằng đối với tất cả thí sinh. Còn thời gian ngắn nữa đến ngày thi, thí sinh hãy tập trung học tập, ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi”.

Theo lịch tổ chức thi THPT Quốc gia 2016 do Bộ GD&ĐT ban hành, ngày 30/6 các thí sinh sẽ tập trung đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót. Từ ngày 1 - 4/7 là thời gian diễn ra 8 môn thi THPT Quốc gia. Trong đó, môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Riêng đề thi Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 cả nước có 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì, dành cho thí sinh dự thi để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì. Hà Nội có 5 cụm thi do các trường đại học chủ trì gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Lâm nghiệp. TPHCM có 4 cụm thi do trường đại học chủ trì gồm: ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm TP HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Bí quyết ôn thi hiệu quả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN