Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nên thi mấy môn?

Thống kê từ kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy ở các cụm thi địa phương, gần như 100% học sinh chỉ thi 4 môn tối thiểu theo quy định. Số thí sinh chọn thi 5-6 môn chỉ tập trung ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì

Ngoài việc giảm số môn thi tốt nghiệp THPT xuống 4 môn (thay vì 6) và chỉ có 2 môn bắt buộc là toán và văn, năm 2014 lần đầu tiên thí sinh (TS) được tự quyết định chọn 2 môn còn lại để xét tốt nghiệp THPT. Các số liệu khảo thí cho thấy mặc dù học sinh đăng ký chọn môn thi tốt nghiệp THPT sau (tháng 4-2014) nhưng xu hướng chọn khá phù hợp với khối thi vào các trường ĐH, CĐ mà TS đã đăng ký trước đó vào tháng 3-2014.

Chọn môn tốt nghiệp theo tổ hợp xét tuyển ĐH

Năm 2015, lần đầu tiên chỉ còn 1 kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích: vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa dùng làm cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ; học sinh chưa tốt nghiệp THPT được quy định phải thi tối thiểu 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, còn môn thi thứ tư được chọn trong số 5 môn: lý, hóa, sinh, sử, địa. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một quy định ràng buộc trong giai đoạn xét tuyển là các trường ĐH, CĐ phải dùng 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo tổ hợp các môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống, chỉ bổ sung điều chỉnh đối với một số ngành thật cần thiết để không gây khó khăn cho TS.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nên thi mấy môn? - 1

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2015 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Như vậy, với 2 quy định mang tính ràng buộc này, để được xét tuyển vào các ngành vốn thi khối A, B, C, TS chưa tốt nghiệp THPT (đang học lớp 12) sẽ phải đăng ký thi ít nhất 5 môn chứ không phải là 4 môn. Với khối D, dù cả 3 môn thi truyền thống của khối thi là toán, văn, ngoại ngữ đều là các môn thi bắt buộc nhưng đương nhiên theo 2 quy định trên, TS vẫn phải chọn thêm một môn tự chọn cho đủ 4 môn thi tối thiểu. Với các TS đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước thì chỉ phải dự thi các môn thi theo yêu cầu của ngành, trường mà TS đăng ký xét tuyển (phổ biến là 3 môn).

Qua  thống kê, có thể thấy rằng về cơ bản, việc chọn môn thi của học sinh là không thay đổi nhiều lắm. Việc giảm tỉ lệ đăng ký thi môn hóa năm 2015 (có trong tổ hợp khối thi truyền thống A và B) có thể giải thích là chỉ cần với 4 môn thi tối thiểu toán, văn, ngoại ngữ, lý thì các TS cũng có thể đăng ký xét tuyển vào 2 khối thi truyền thống là khối D (toán, văn, ngoại ngữ) và A1 (toán, lý, ngoại ngữ).

Tỉ lệ chọn môn địa lý trong 2 kỳ thi THPT năm 2014 và THPT quốc gia 2015 lại khá cao, có hơn 1/3 tổng số học sinh đã chọn môn địa lý là môn thi tốt nghiệp. Giải thích, nhiều học sinh cho rằng việc được phép sử dụng Atlas địa lý trong phòng thi khiến các em tự tin hơn khi làm bài. Bên cạnh các môn bắt buộc khác là toán và văn thì ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là môn rất phổ biến trong các tổ hợp môn dùng để xét tuyển TS vào các ngành tuyển sinh. Hiện có đến 90% tổng số ngành tuyển sinh (97/108 ngành) của các trường thành viên ĐHQG TP HCM có môn tiếng Anh là 1 trong 3 môn xét tuyển của các ngành.

Càng học giỏi càng thi nhiều môn

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 có 133.000 TS đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước, nay để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, những TS này chỉ cần thi tối thiểu 3 môn phù hợp với tổ hợp môn thi mà TS đăng ký xét tuyển sau đó. Các số liệu thi năm 2015 cho thấy khoảng 70% TS đã tốt nghiệp chỉ chọn thi 3 môn.

Với 872.000 học sinh chưa tốt nghiệp thì sao? Số TS “an phận chấp hành” đúng quy định thi tối thiểu 4 môn trên cả nước chiếm hơn phân nửa (57%) nhưng số TS thi 5 môn trở lên cũng không phải ít, chiếm đến 43%  (5 môn là 32%, 6 môn là 10%, 7 hoặc 8 môn là 0,5%).

Tuy nhiên, điều lý thú là nhìn chung, học sinh có học lực càng giỏi càng có khuynh hướng chọn thi 5-6 môn. Thống kê ở các cụm thi địa phương (do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì), gần như 100% học sinh chỉ thi 4 môn tối thiểu theo quy định. Như vậy, số TS chọn thi 5-6 môn chỉ tập trung ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Chẳng hạn, tại 8 cụm thi thuộc khu vực TP HCM (hơn 158.000 TS), số TS chọn thi từ 5 môn trở lên chiếm gần 55% tổng số TS chưa tốt nghiệp THPT (so với 43% trên bình diện cả nước). Và hơn thế nữa, số TS thi từ 5 môn trở lên chiếm tỉ lệ khá lớn (dao động từ 40%-60%) ở các trường có thành tích học tập cao (các trường chuyên).

Cần nhớ rằng trong những năm trước đây, điểm các môn thi tốt nghiệp THPT không có liên quan hay tác động gì đến điểm các môn thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Còn từ kỳ thi THPT quốc gia 2015, chính việc chọn thi môn nào, số lượng các môn thi và điểm thi các môn này là bao nhiêu sẽ tác động trực tiếp đến kết quả xét tuyển (đậu hoặc rớt).

Vì vậy, khi đăng ký chọn môn thi trong hồ sơ dự thi THPT quốc gia (dự kiến vào giữa tháng 3-2016), TS cần cân nhắc thận trọng chọn môn thi sao cho không chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà còn phải đạt được mức điểm cao nhất có thể được để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nên thi mấy môn? - 2

Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyễn Minh Mẫn (ĐHQG TP HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN