Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Chuyên gia "mách nước" chọn môn thi để tăng cơ hội trúng tuyển
Nên chọn số môn thi hợp lý để tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH-CĐ, không nên chọn thi quá nhiều môn vì như thế kết quả ôn tập sẽ bị phân tán và kém hiệu quả.
Theo quy chế thi quốc gia, thí sinh (TS) có thể chọn cả 8 môn thi để tăng cơ hội xét tuyển. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia tuyển sinh thì việc lựa chọn số môn thi hợp lý mới là yếu tố quyết định “thành, bại”.
Thi cả 8 môn: “mất” nhiều hơn “được”
Theo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ mới được Bộ GD-ĐT ban hành, TS được lựa chọn nhiều môn, số tổ hợp tăng lên và cơ hội xét tuyển cũng mở rộng thêm. Vì lý do đó, không ít TS dự định sẽ chọn nhiều môn để tăng cơ hội, đồng thời cũng là để phòng trường hợp không xét được tổ hợp này cũng còn tổ hợp khác. Em Trần Hưng Thịnh (THPT Nguyễn Du, Q.10), cho biết: “Em dự định thi 6 môn, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn và tiếng Anh; em sẽ đăng ký thêm 3 môn: Lý, Hóa, Sinh vì năm nay có nhiều trường ĐH ra nhiều tổ hợp như: Toán, Lý, Anh; Toán, Hóa, Anh… ngoài các khối thi truyền thống nên chắc chắn cơ hội sẽ cao hơn”.
Thí sinh dự thi ĐH-CĐ năm 2014
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số các học sinh tại TP.HCM khi được hỏi đều quyết định lựa chọn 5 đến 6 môn thi; cũng có em lựa chọn cả 8 môn thi. Trường hợp lựa chọn 4 môn thi rất hiếm.
Về vấn đề lựa chọn nhiều môn thi này, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, nhắn nhủ: “Năm nay ngoài những khối thi truyền thống, các trường cũng bổ sung thêm các tổ hợp khác. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì các tổ hợp mới chủ yếu cũng chỉ xoay quanh các môn thi như cũ. Do vậy, các em không nên chạy theo số lượng mà gây khó tập trung ôn luyện, chưa kể là lượng kiến thức của nhiều môn sẽ rất lớn gây áp lực thi cử cho chính các em”.
Ngoài vấn đề lựa chọn môn thi, nhiều học sinh tại TP.HCM cũng thắc mắc về việc đăng ký nhiều môn nhưng lúc thi lại bỏ có ảnh hưởng đến việc xét tuyển. Em Bích Thanh (THPT Marie Curie, Q.3) thắc mắc: “Nếu em đăng ký sáu môn thi nhưng chỉ thi bốn môn (đã bao gồm 3 môn bắt buộc) và bỏ thi 2 môn còn lại do bị bệnh thì như thế liệu có được công nhận kết quả tốt nghiệp THPT và được xét tuyển ĐH, CĐ không?”.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT), giải thích: “Thí sinh chỉ phải thi bắt buộc bốn môn thi để xét tốt nghiệp. Trường hợp thí sinh bị ốm không thi được 2 môn còn lại vẫn có thể sử dụng kết quả của bốn môn đã thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ vào những trường có tổ hợp môn thi trùng với các môn thí sinh đã thi”.
Chọn bao nhiêu môn là hợp lý?
Việc lựa chọn bao nhiêu môn thi là tùy vào khả năng và mục đích của các em thí sinh, tuy nhiên các chuyên gia về giáo dục lại cho rằng: Việc các em lựa chọn số lượng môn quá nhiều chưa hẳn đã tốt vì sẽ khó đầu tư bài vở, dẫn đến kết quả không cao. TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Việc có nhiều môn thi giúp TS có cơ hội chọn tổ hợp môn mình có thế mạnh nhất và như thế sẽ tăng thêm cơ hội cho các em. Tuy vậy, các em nên cân nhắc, không nên chọn quá nhiều môn mà chỉ nên chọn số môn mình có thế mạnh để có thể tập trung ôn thi và đạt kết quả tốt nhất. Nếu chọn quá nhiều môn, kết quả sẽ bị phân tán, giảm cơ hội trúng tuyển. Theo tôi thỉ 5 môn là hợp lý”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cũng cho biết: “Tôi khuyến khích TS chọn không quá 5 môn. Cụ thể, với những em TS có nguyện vọng chọn những ngành về lĩnh vực khoa học tự nhiên, kinh tế thì ngoài các môn bắt buộc thì các em có thể đăng ký thêm môn Lý, Hóa. Những em chọn khối ngành về khoa học xã hội có thể đăng ký thêm môn Sử, Địa; hoặc nếu lựa chọn khối ngành về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể đăng ký thêm môn Hóa, Sinh…”.