Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Căng thẳng lựa chọn môn thi, khối thi

Cùng với việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh lựa chọn các môn thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ, các trường ĐH-CĐ cũng “đua nhau” mở thêm khối “lạ” khiến thí sinh căng thẳng lựa chọn khối thi, môn thi. Phụ huynh cũng ngán ngẩm vì con em mình sắp vướng phải “mớ bòng bong” đăng kí môn thi và lịch học ôn dày đặc.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Căng thẳng lựa chọn môn thi, khối thi - 1

Hải Long, học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội): “Em định chọn khối D, A1 để chỉ thi 4 môn. Nhưng với nhiều người lựa chọn như thế thì xét tuyển vào hai khối này sẽ cực kì căng thẳng, nên em đang dự tính thi thêm 1 - 2 môn nữa”. Ảnh: Q.Anh

 “Cân não” chọn môn, khối thi

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sắp tới, Bộ GD&ĐT không giới hạn số môn đăng ký, nên có thí sinh đã lựa chọn nhiều môn thi để tham gia nhiều khối thi trong kỳ xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đánh giá kỳ thi mở ra nhiều cơ hội, song cũng tạo nhiều thách thức và áp lực, Trịnh Ngọc Sinh (học sinh lớp 12 Trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội) cho rằng, quy chế năm nay có nhiều sự thay đổi và các khối thi quá nhiều nên cũng gây lo lắng đối với học sinh trong việc lựa chọn ngành, chọn khối thi.

Trịnh Ngọc Sinh cho biết thêm: “Kì thi năm nay em đăng kí dùng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Em đăng ký dự thi các môn ở khối D, A, C. Theo đó, ngoài 3 môn bắt buộc (Văn, Toán, Anh), em sẽ thi thêm môn Sử, Địa, Lí, Hóa để dùng kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ. Tổng cộng, em thi 7/8 môn. Dù phải học nhiều môn nhưng em nghĩ, thêm khối thi sẽ thêm cơ hội trúng tuyển. Không chỉ riêng em, gần một nửa các bạn trong lớp em cũng chọn thi từ 6-8 môn”.

Hải Long (học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát, Hà Nội) cho biết: “Nếu chỉ học ôn để thi tốt nghiệp THPT thì em thấy không có gì khó khăn, nhưng làm sao để tính toán thêm môn thi xét tuyển vào ĐH-CĐ mới là điều chúng em phải băn khoăn, suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra lựa chọn. Em đã dự kiến chọn khối D, A1 để chỉ phải thi 4 môn. Nhưng với nhiều người, lựa chọn như thế thì xét tuyển vào hai khối này sẽ cực kì căng thẳng nên em đang tính thi thêm 1 - 2 môn nữa để có thể chuyển khối khác cho thêm cơ hội đỗ ĐH-CĐ”.

Còn Thu Hương (học sinh lớp 12 Trường THPT Đống Đa, Hà Nội) thì cho rằng: “Do năm nay không hạn chế số môn đăng kí dự thi nên chúng em khá áp lực. Nếu chọn khối A, D thì rất đông bạn đăng ký, mà chọn các khối thi khác lại phải học thêm, ôn tập thêm vài môn nữa. Vô tình, chúng em phải ôn tập nhiều môn thi hơn. Thậm chí, đến giờ vẫn có bạn băn khoăn chưa biết khối thi nào là chính, khối thi nào là thêm”.

Thêm lựa chọn, thêm băn khoăn

Đối với nhiều bậc phụ huynh, giai đoạn này cũng căng thẳng không kém thí sinh khi chứng kiến con cái lo lắng, băn khoăn trước việc lựa chọn môn thi, khối thi. Phụ huynh Dương Xuân Hà có con học lớp 12 Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Về lý thuyết, học sinh chỉ phải thi 4 môn để xét tốt nghiệp THPT, còn xét tuyển vào ĐH-CĐ thì phải đăng ký thêm các môn thi theo các khối thi… Tôi thấy cách làm này nếu chỉ để thi tốt nghiệp THPT thì hoàn toàn hợp lí, nhưng để xét tuyển vào ĐH-CĐ thì đa số học sinh sẽ thi thêm vài môn nữa. Vậy là vẫn phải thi nhiều môn. Ôn nhiều môn cùng lúc như vậy dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Thời gian này, các cháu còn học ở trường, lấy đâu ra thời gian mà ôn tập hết các môn nữa?”.

Đánh giá phương án cho phép thí sinh lựa chọn môn thi, xét tuyển theo nhiều khối để vào ĐH-CĐ có một số bất cập, phụ huynh Vũ Quốc Hoàn (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) có con chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2015, cho biết: “Thấy con căng thẳng trong việc chọn môn, chọn khối thi mà tôi không sao yên tâm được. Thi tốt nghiệp THPT 4 môn là phù hợp, nhưng để vào ĐH-CĐ thì lại phải thi thêm các môn khác. Trước đây, con tôi dự tính thi khối A, giờ phải chuyển hướng thi thêm khối D nữa, vậy là phải học tới 5 môn. Việc cho phép lựa chọn môn thi và sử dụng khối thi trong tuyển sinh ĐH-CĐ vô tình đã đẩy học sinh vào thế khó khi rất nhiều cháu sẽ chọn thi nhiều môn. Quy chế thi như vậy, làm sao tôi đủ tự tin để cho con dự thi ít môn, ít khối?”.

Ngoài tâm lý dự phòng của thí sinh và phụ huynh khi lựa chọn nhiều môn thi, một nguyên nhân nữa được chỉ ra là các trường ĐH-CĐ “đua nhau” mở tổ hợp khối thi mới, dẫn đến thí sinh muốn thi thêm môn để gia tăng cơ hội vào ĐH-CĐ. Đánh giá về vấn đề này, TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng: “Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, bên cạnh các khối thi truyền thống thì nhiều trường ĐH-CĐ áp dụng tổ hợp môn thi mới. Tuy thí sinh có nhiều sự lựa chọn khối thi nhưng thật sự bối rối. Với việc có thêm nhiều tổ hợp môn mới, các em sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xác định khối thi, sở trường ở các môn học. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc chọn ngành, chọn nghề của các em”.

“Thời điểm này, nhiều thí sinh lựa chọn nhiều khối thi cho chắc ăn. Nếu tập trung quá nhiều môn khác nhau thì thời gian học ôn không được nhiều, chất lượng ôn tập thấp dẫn đến điểm số sẽ thấp. Vì vậy, thí sinh không nên học ôn nhiều môn quá, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng ôn thi”.

TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh/Gia đình & Xã hội
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN