Kỳ thi quốc gia 2015: Cục Khảo thí giải thích 16 nguyện vọng xét tuyển

Ngay sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố, các trường ĐH công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành.

PGS-Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, trả lời những thắc mắc của phụ huynh và thí sinh (TS) liên quan dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 và Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy do Pháp Luật TP.HCM chuyển đến.

Đăng ký dự thi trước ngày 1-4

Phóng viên: Trước hết, xin ông cho biết thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia và hạn nộp hồ sơ?

Kỳ thi quốc gia 2015: Cục Khảo thí giải thích 16 nguyện vọng xét tuyển - 1

+ PGS-Tiến sĩ Mai Văn Trinh: Theo dự thảo quy chế, TS đăng ký dự thi tại trường THPT nơi học lớp 12. TS tự do đăng ký tại địa điểm do Sở GD&ĐT nơi TS cư trú quy định. Hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm phiếu đăng ký dự thi (hai phiếu giống nhau), học bạ THPT, các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên (nếu có), hai ảnh 4x6 cm, giấy CMND và hai phong bì dán sẵn tem ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS. Hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 1-4 hằng năm.

Vấn đề dư luận rất quan tâm là đề thi năm nay. Làm thế nào để một đề thi đảm bảo hai mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH?

+ Để đảm bảo mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH-CĐ, đề thi sẽ tiếp tục làm tốt theo hướng đánh giá năng lực của TS như kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH-CĐ năm 2014. Cụ thể sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, TS chỉ cần làm được là có thể tốt nghiệp. Ngoài ra cũng sẽ có những câu hỏi nâng cao nhằm phân hóa TS để tuyển vào ĐH-CĐ. Đặc biệt năm nay cả đối tượng học sinh GDTX và THPT đều sử dụng chung đề thi.

Năm nay Bộ có xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như những năm trước không?

+ Căn cứ kết quả thi của TS trên toàn quốc, Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển vào học ĐH-CĐ. Từ đó các trường sẽ xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, TS sẽ đăng ký vào các trường ĐH-CĐ như thế nào?

+ Sau khi báo cáo kết quả thi về Bộ, trường ĐH chủ trì cụm thi in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho các Sở GD&ĐT để chuyển tới TS đã dự thi ở cụm. Mỗi TS đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. TS dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa bốn đợt; mỗi đợt xét tuyển TS chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng để đăng ký tối đa vào bốn ngành của một trường.

Kỳ thi quốc gia 2015: Cục Khảo thí giải thích 16 nguyện vọng xét tuyển - 2

Thí sinh kiểm tra niêm phong đề thi tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM năm 2014. Ảnh: HTD

Công khai tình hình đăng ký xét tuyển

Xin ông nói rõ hơn về bốn đợt xét tuyển của các trường?

+ Ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành. Các trường có thể thực hiện tối đa bốn đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31-10 hằng năm đối với trường ĐH và ngày 15-11 hằng năm đối với trường CĐ.

Trong thời gian xét tuyển, các trường công bố công khai các thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển gồm danh sách TS trúng tuyển và đăng ký nhập học của mỗi đợt xét tuyển; tình hình đăng ký xét tuyển của TS trên trang thông tin điện tử của trường, cập nhật ba ngày một lần (danh sách TS đăng ký và điểm thi xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp). Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, TS được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.

Bộ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng TS ảo?

+ Một trong những băn khoăn trong xét tuyển ĐH là hiện tượng TS ảo. Để khắc phục tình trạng này có nhiều giải pháp khác nhau, trong đó quy chế của kỳ thi này là một giải pháp. Như tôi đã nói ở trên mỗi TS chỉ có một giấy báo điểm cho mỗi đợt xét tuyển. Trên cơ sở thông tin điểm, nguyện vọng, chỉ tiêu… phần mềm của Bộ GD&ĐT sẽ xử lý cả hệ thống, giúp cho TS có sự lựa chọn tốt nhất với số điểm của mình. Bộ GD&ĐT đã chạy thử nghiệm dữ liệu và cho kết quả khá chính xác. Xử lý dữ liệu chung toàn quốc nên các trường sẽ giải quyết được tình trạng nguyện vọng ảo.

. Xin cám ơn ông.

Vấn đề quan tâm nhất là đề thi

Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng do số tổ hợp các môn thi tăng lên nên việc chấm bài thi của trường sẽ khác các năm trước, do đó cần phải có sự phối hợp với giáo viên các trường THPT. Là trường nằm tốp trên nhưng năm nay ĐH Bách khoa TP.HCM không tổ chức thi tuyển trực tiếp vào trường như mọi năm mà thông qua cụm thi, liệu thay đổi này có gây khó khăn cho nguồn tuyển. Về điều này, Tiến sĩ Thông nói: “Đến lúc này chưa thể đưa nhận định được vì còn phụ thuộc vào điểm thi, số lượng TS đăng ký”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐHQG TP.HCM, cho rằng vấn đề cần quan tâm hơn cả trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là công tác làm đề thi làm sao cho chất lượng, đánh giá được năng lực của học sinh và có tính phân loại cao. Theo đó, Bộ cần sớm công khai cấu trúc đề thi gồm những phần nào, độ khó ra sao, khối kiến thức như thế nào để học sinh chủ động ôn tập, củng cố kiến thức cho kỳ thi.

Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), cho rằng việc mỗi TS có bốn giấy báo điểm, mỗi giấy báo điểm lại có bốn nguyện vọng để nộp vào một trường; điều này tạo điều kiện tốt cho TS nhưng lại gây khó khăn, vất vả cho các trường vì hồ sơ ảo.

Liên quan đến việc trường có thể không tuyển đủ chỉ tiêu do TS được đăng ký nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi, ông Phú cho rằng việc này không đáng lo ngại, ngược lại giúp trường tuyển được những TS hợp lý hơn, không xảy ra tình trạng TS điểm cao vẫn trượt ĐH như trước đây. Những TS không trúng nguyện vọng 1 thì vẫn có cơ hội với các nguyện vọng khác. Đồng thời giúp những trường thiếu chỉ tiêu có thêm cơ hội nhận được hồ sơ đăng ký.

PHONG ĐIỀN - HUY HÀ ghi

Hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ gồm:

1. Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển (mẫu M1), cho phép đăng ký tối đa bốn ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

2. Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi và mã vạch nhận dạng.

3. Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS để trường thông báo kết quả xét tuyển.

Hồ sơ nộp trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện.

Cần công bố sớm chương trình thi

Những thay đổi trong quy chế không làm ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy cũng như tâm lý thầy trò vào thời điểm này. Bộ đưa ra cách tính điểm theo thang điểm 20 hay 10 không ảnh hưởng nhiều đến cách tính điểm của giáo viên và nhà trường. Vấn đề nhà trường quan tâm mà Bộ chưa đề cập đến là công bố chi tiết chương trình thi, cấu trúc đề thi để thầy cô yên tâm và chủ động hơn. Hiện Bộ chỉ nói là nội dung chủ yếu ở lớp 12 nhưng như thế rất mù mờ. Hiện trường nhắc thầy cô tập trung chương trình 12 là chính. Nếu Bộ công bố sớm thì thầy cô sẽ biết độ “đậm nhạt” cho từng nội dung, biết nội dung ôn kiến thức lớp 10 và 11 bao nhiêu để không thiệt thòi cho các em.

Bà NGUYỄN THỊ THU CÚC,
Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh

Nhà trường bị động về kế hoạch năm học

Theo tôi, lo ngại lớn nhất là vấn đề thời gian diễn ra kỳ thi được lùi đến đầu tháng 7. Học sinh sẽ có thêm thời gian ôn tập để kỳ thi đạt hiệu quả hơn nhưng nhà trường lại bị động về kế hoạch năm học. Biên chế năm học của trường chỉ đến hết tháng 5, nếu thời gian thi lùi thêm một tháng sẽ vượt quá biên chế năm học. Bộ nên có hướng dẫn cụ thể để các trường chủ động kế hoạch ôn tập cho các em. Nếu Bộ không có chỉ đạo gì thêm, khi hết tháng 5, trường buộc phải cho các em nghỉ hè theo quy định.

Ngoài ra, tôi rất hoan nghênh Bộ tính điểm theo thang 20. Như thế sẽ công bằng với các em vì kiến thức của các em được đánh giá chi tiết và kỹ lưỡng hơn.

Ông VÕ VĂN DŨNG,
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM

Tiêu chuẩn công nhận tốt nghiệp THPT như thế nào?

Điều gây băn khoăn là tiêu chuẩn công nhận tốt nghiệp như thế nào. Bộ chỉ ghi đơn giản về cách tính điểm: 50% điểm bốn môn thi và 50% điểm trung bình lớp 12, không có môn nào dưới 2 điểm nhưng không biết cụ thể bao nhiêu điểm là đậu. Hơn nữa, điểm liệt dưới 2 là hơi thấp nếu so với thang điểm 20, rất hiếm trường hợp xảy ra.

Thầy ĐOÀN NHẬT QUANG,
giáo viên Trường THPT Tân Phong, quận 7

PHẠM ANH ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hà (Pháp luật TP.HCM)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN