Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021: Bạn cần lưu ý những thay đổi nào để tận dụng “tấm vé” này?

Sự kiện: Giáo dục

Thời gian gần đây, một số trường Đại học đã công bố thông tin về phương án xét tuyển bằng kỳ thi riêng của mình. Bên cạnh kỳ thi chung, đây cũng là một phương án được các sĩ tử đặt kỳ vọng để bước chân vào cánh cửa Đại học.

Những tấm vé vào Đại học đầy tiềm năng

Năm 2020, kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia TP.HCM được coi là kỳ thi “quyền lực” nhất chỉ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi có tới gần 70 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Vậy nên, trước thềm mùa thi năm nay, những thông tin về kỳ thi này luôn được hội 2K3 quan tâm. 

Để học sinh kịp chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, mới đây, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố một số thông tin liên quan đến “phiên bản” kỳ thi năng lực năm nay. Giống như năm 2020, kỳ thi vẫn sẽ diễn ra với 2 đợt thi - ngày 28/3 và ngày 4/7 (dự kiến). Nếu như thí sinh đợt 1 sẽ bớt căng thẳng hơn, thì đợt 2 được tổ chức sau kỳ thi THPT Quốc gia lại chính là cơ hội “săn” những tấm vé cuối vào cánh cửa Đại học, khi kiến thức đã được chuẩn bị đầy đủ nhất. Từ ngày 15/1 đến 5/3, teen muốn dự thi đợt 1 có thể đăng ký online tại website chính thức của kỳ thi: http://cete.vnuhcm.edu.vn/thi-danh-gia-nang-luc.html. 

Cổng đăng ký online của kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.

Cổng đăng ký online của kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.

Sau bốn năm vắng bóng, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay đã trở lại và “lợi hại” hơn. Trường dự kiến tổ chức 4-5 đợt thi, cho phép thí sinh tự lựa chọn thời gian thi và có thể thay đổi trong vòng 14 ngày trước khi thi. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay chỉ có 2 điểm thi là Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Bạn Nguyễn Hương Giang (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) khá quan tâm tới thông tin này, chia sẻ: “Mình để ý năm 2020, trong đề án tuyển sinh của trường ĐH Ngoại thương từng có phương án sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường phối hợp cùng ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, sau đó không tổ chức thi nên phương án này cũng bị bỏ. Chắc hẳn năm nay, ĐH Ngoại thương và một số trường khác ở Hà Nội sẽ bổ sung thêm phương án tuyển sinh này, như vậy thì tụi mình cũng có nhiều cơ hội hơn”.

Nếu hai kỳ thi đánh giá năng lực kể trên là chiếc vé tiềm năng khi giúp teen “vi vu” tới nhiều ngôi trường mơ ước thì một số kỳ thi riêng như bài kiểm tra tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội lại trở thành kỳ thi “đo ni đóng giày” cho hội sĩ tử muốn trở thành sinh viên của trường. 

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thông báo về kỳ thi đánh giá tư duy 2021.

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thông báo về kỳ thi đánh giá tư duy 2021.

Bạn Minh Hiếu (trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nội dung của bài thi tư duy chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật... - những kiến thức rất phù hợp với các bạn học sinh muốn thi vào ĐH Bách Khoa như mình. Điều này giúp chúng mình chỉ cần tập trung vào lĩnh vực yêu thích, thay vì phải làm cả phần bài của các môn Xã hội”. Bài thi tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến được tổ chức tại 3 địa điểm ở khu vực miền Bắc và sẽ diễn ra sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay kết thúc.

Tương tự, trường ĐH Việt Đức (TP.HCM) cũng sẽ tổ chức kỳ thi riêng phù hợp với chương trình giảng dạy. Kỳ thi này dự kiến diễn ra vào tháng 5, gồm bài test IQ và phần kiểm tra kiến thức khối chuyên ngành như bài thi Kinh tế, bài thi Toán học, Khoa học máy tính, Khoa học tự nhiên.

“Công thức” ôn thi bách phát, bách trúng

Nhiều kỳ thi hơn, đồng nghĩa với việc teen có nhiều cơ hội hơn để ngôi trường yêu thích nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, không ít bạn bị “lạc lối” khi có nhiều sự lựa chọn, với mỗi kỳ thi một yêu cầu khác nhau. Vậy phải làm thế nào để các kỳ thi đánh giá năng lực có thể phát huy tiềm năng đúng chỗ?

 ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ cung cấp ví dụ minh họa và đề cương cho kỳ thi.

 ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ cung cấp ví dụ minh họa và đề cương cho kỳ thi.

Luôn cập nhật thông tin: Những thông tin mà bạn cần biết về kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ dừng lại ở các mốc thời gian quan trọng hay quy chế thi mới đâu nhé! Hãy cập nhật thay đổi trong nội dung đề thi để dễ dàng điều chỉnh kế hoạch ôn thi hợp lý. Bên cạnh đó, với những nội dung không thay đổi, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị.

Cụ thể, theo đề thi minh họa mới công bố của trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cấu trúc đề thi năm nay không khác biệt so với năm 2020. Lượng câu hỏi và phân loại khó - dễ dành cho các môn học vẫn giữ nguyên, vì vậy bạn nên tập trung vào lối ôn tập thiên về tư duy, logic hơn là tập trung giải quyết các dạng bài khó.

Bạn có thể tham khảo nội dung ôn thi qua các hội nhóm Facebook, Youtube nữa nhé!

Bạn có thể tham khảo nội dung ôn thi qua các hội nhóm Facebook, Youtube nữa nhé!

Với kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, đề thi sẽ được phát triển từ mẫu đề năm 2016, giống tới 90%. Tuy nhiên, thay vì được lựa chọn giữa Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên, các thí sinh phải làm một phần nội dung được tích hợp - phần bài Khoa học. Như vậy, bài thi gồm 3 phần: Tư duy định tính, Tư duy định lượng và Khoa học, mỗi phần 50 điểm. Nhằm hạn chế việc sĩ tử đoán mò, số câu hỏi viết đáp án sẽ tăng thành 18 câu.

Đừng chủ quan khi đứng trước nhiều cơ hội: Cánh cửa vào Đại học đã không còn dừng lại ở kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia hay các hồ sơ xét tuyển thẳng. Mỗi kỳ thi đánh giá năng lực đều tạo điều kiện để teen có thể tìm cơ hội, nhưng đừng nên vì thế mà giữ suy nghĩ “thua keo này, bày keo khác”. 

Khi đã đăng ký dự thi, bạn hãy làm hết sức mình thay vì chuẩn bị qua loa rồi tự nhủ “vẫn còn đợt thi khác phía sau”. Suy nghĩ này không chỉ tiêu phí thời gian, tiền bạc mà còn khiến bạn dễ dàng đánh rơi chiếc vé tiềm năng này đấy!

Nguồn: [Link nguồn]

Từ năm học 2021, thí sinh phải đăng ký thi tốt nghiệp THPT ở đâu?

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm học 2021 thí sinh phải đăng ký thi tốt nghiệp THPT trên cổng dịch vụ công quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph.Thảo ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN