Kỳ thi chung quốc gia: Thí sinh thi bao nhiêu môn?

Cách tổ chức 8 môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 4 ngày đã tăng cơ hội cho thí sinh lên rất nhiều thay vì phải dự thi cả 3 đợt ĐH, CĐ với 9 bài thi như những năm trước.

Những điểm chính yếu của kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích: làm cơ sở công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo định hình khá rõ nét. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề kỹ thuật phải tiếp tục  hoàn chỉnh để kỳ thi đạt được mục tiêu mong muốn.

Kỳ thi chung quốc gia: Thí sinh thi bao nhiêu môn? - 1

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 (Ảnh: Tấn Thạnh)

Khối A, B, C: Ít nhất là thi 5 môn

Theo tài liệu “Hỏi - đáp về kỳ thi THPT quốc gia” do Cục Khảo thí và Kiểm định giáo dục công bố, để được xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ (đối với thí sinh dự thi tại các cụm do trường ĐH, CĐ tổ chức), thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải thi tối thiểu 4 môn. Trong đó, 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; còn môn thi thứ 4 được chọn trong số 5 môn: lý,  hóa, sinh,  sử,  địa.

Bên cạnh đó, muộn nhất là trước ngày 1/1/2015, các trường ĐH phải công bố phương án tuyển sinh. Trong đó, các trường sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải nói rõ cách thức sử dụng kết quả các môn thi trong kỳ thi này trên cơ sở căn bản giữ ổn định các khối thi truyền thống, chỉ bổ sung, điều chỉnh đối với một số ngành thật cần thiết.

Như vậy, với 2 quy định mang tính chất ràng buộc nêu trên, để được xét tuyển vào các ngành vốn thi khối A, B, C, thí sinh chưa tốt nghiệp THPT (đang học lớp 12 năm học này) sẽ phải đăng ký thi ít nhất 5 môn chứ không phải 4 môn. Với khối D, dẫu rằng cả 3 môn thi truyền thống toán, văn, ngoại ngữ đều là các môn thi bắt buộc nhưng đương nhiên theo 2 quy định trên, thí sinh vẫn phải chọn thêm 1 môn tự chọn cho đủ 4 môn thi tối thiểu. Với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước thì chỉ phải dự thi các môn theo yêu cầu của ngành, trường mà mình đăng ký xét tuyển (phổ biến là 3 môn).

Thi nhiều môn, nhiều cơ hội

Năm 2014, dù phải đăng ký dự thi ĐH, CĐ trước (tháng 3) và đăng ký chọn môn thi tốt nghiệp THPT sau (tháng 4) nhưng thí sinh chọn khối thi ĐH, CĐ vẫn tương tự những năm trước đó và khá phù hợp với tình hình chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2014 có 2 môn bắt buộc (ngữ văn, toán) và 2 môn tự chọn trong 6 môn còn lại (hóa học, vật lý,  địa lý,  lịch sử,  sinh học, ngoại ngữ).

Với số thí sinh đang học lớp 12 trên cả nước khoảng gần 950.000, cộng thêm số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước quay lại dự thi để được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, dự đoán trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ có khoảng 1,2 triệu thí sinh. Theo phân tích như trên, số thí sinh chỉ thi 3 môn (đã tốt nghiệp THPT) sẽ khoảng 300.000. Số thí sinh chỉ cần thi 4 môn (là thí sinh chọn các ngành vốn thi khối A1 hoặc thí sinh lớp 12 chỉ cần xét tốt nghiệp THPT) cũng ước khoảng 300.000. Như vậy, việc thí sinh chọn từ 5 môn trở lên sẽ là phổ biến. Chúng tôi dự đoán học sinh càng giỏi sẽ đăng ký dự thi càng nhiều môn để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ.

Suy cho cùng, cách tổ chức đủ 8 môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 4 ngày (dự kiến 9, 10, 11, 12/6/2015) đã tăng cơ hội cho thí sinh lên rất nhiều, thay vì phải dự thi cả 3 đợt ĐH, CĐ với 9 bài thi như những năm trước. Đây cũng chính là tiền đề tiến đến việc tổ chức các môn thi tích hợp, giải quyết được việc mất cân đối, lệch lạc trong chọn môn thi cho những kỳ thi THPT quốc gia tiếp theo.

Những vấn đề kỹ thuật tiếp theo cần sớm giải quyết là việc sử dụng kết quả các môn đã thi của thí sinh như thế nào, kèm theo hồ sơ đăng ký xét tuyển để tránh tình trạng ảo quá cao gây khó khăn cho các trường ĐH, CĐ. 

Kỳ thi chung quốc gia: Thí sinh thi bao nhiêu môn? - 2

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN