Kỳ thi chung quốc gia: "Đã học là phải thi!"
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐHQG Hà Nội), nguyên tắc là đã học thì phải thi.
Việc gộp hai đợt thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thành một kỳ thi quốc gia - như kỳ thi Tú tài nước Pháp năm 1808 (với cách ra đề tích hợp mạnh các môn, cách tuyển)… liên quan quy mô và chất lượng. Báo Tiền Phong trao đổi với GS Nguyễn Xuân Hãn về vấn đề này.
Giáo sư nhận xét gì về việc bỏ bớt 1 kỳ thi và chỉ thực hiện duy nhất 1 “kỳ thi 2 trong 1” mà Bộ GD&ĐT vừa tung ra 3 phương án mới đây?
Việc đổi mới hai kỳ thi quốc gia gồm 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) quá gần nhau, được xã hội hoan nghênh; song, việc gộp hai kỳ thi này thế nào để đảm bảo sự nghiêm túc và công bằng, giảm tốn kém cho xã hội, giảm vất vả cho HS là việc cần bàn bạc và cân nhắc.
Một kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT đang hỏi ý kiến và dự kiến tiến hành sắp tới, theo nghiên cứu, giống với kỳ thi nhận bằng Tú tài ở nước Pháp có từ năm 1808- cách đây hơn 200 năm dưới thời hoàng đế Napoléon I.
GS Nguyễn Xuân Hãn
Theo định nghĩa, bằng “Tú tài” có 2 nghĩa: kết thúc trung học phổ thông và cho phép đương nhiên ghi tên theo học Đại học (“Université”) và tức là “bằng cấp đầu tiên” của ĐH.
Lưu ý, Pháp có 2 loại ĐH (“Université”) loại ghi danh, và loại “Trường Lớn” (dịch nghĩa đen của từ Grande École) thi cử chặt chẽ. Việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để vào ĐH ở Pháp, theo cảnh báo của cố GS Bùi Trọng Liễu với 40 năm kinh nghiệm làm giáo sư đại học ở đất nước này, là một tai họa lớn cho nền giáo dục nước Pháp ngày nay.
Tai họa đó là, theo cố giáo sư Liễu, một số sinh viên ghi tên học mà không học nổi; tệ hơn nữa, một số sinh viên ghi tên để hưởng các quyền lợi Nhà nước dành cho sinh viên, để an nhàn trong một, hai năm, mà không hề bước chân tới giảng đường…
Kết quả là, tất cả các giải pháp (phụ đạo, hướng ngành, tổ chức học theo chặng...) tới nay đều thất bại: tỷ lệ sinh viên lưu ban, bỏ học... rất cao, gây nên một sự lãng phí khủng khiếp về nhân lực, trí tuệ, tiền bạc cho nước Pháp, cố GS Liễu đã nói như vậy.
Giáo dục Việt Nam trước đây mô phỏng theo GD Pháp, song GD Việt Nam của chế độ mới đã khác nhiều so với thời Pháp thuộc. Sự khác biệt này không được cân nhắc kỹ lưỡng khi hoạch định các chủ trương chính sách phát triển giáo dục sẽ gây rắc rối và lãng phí cho xã hội”. GS Nguyễn Xuân Hãn |
Ở Việt Nam, theo tôi, cách thi này vô tình còn “tước quyền” tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường ĐH và xem nhẹ chất lượng nguồn nhân lực. Hiện Việt Nam có 2,2 triệu sinh viên và số cử nhân thất nghiệp tính đến nay là 162 nghìn người. Số tiền của Nhà nước và dân đào tạo ra 162 nghìn người nhưng chưa sử dụng được đó tương đương với gần vạn tỷ!
Trong những nước châu Á, việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, Nhật Bản là nước đã có bài học không thành công, nên họ giữ lại kỳ thi ĐH và dùng hình thức thi nhẹ nhàng nghiêm túc để thay dần các kỳ thi tốt nghiệp các cấp ở bậc phổ thông. Xu hướng thi cử này đã được một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… vận dụng theo.
Như vậy có nghĩa là ông cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông?
Không! Đã học là phải thi, đó là nguyên tắc. Xuất phát từ thực tế trong nước, xu thế trên thế giới tôi đề nghị: tạm thời giữ nguyên kỳ thi ĐH theo phương án ba chung, còn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông về các Sở GD&ĐT của tỉnh chủ động và linh hoạt tổ chức kỳ thi này, Bộ GD&ĐT chỉ giữ vai trò giám sát và kiểm tra!
Chữ “linh hoạt” được hiểu thời gian không cứng nhắc, tùy theo từng tỉnh có thể tổ chức kiểm tra các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào học kỳ 1 lớp 12; một môn còn lại thi sau, hay ai bị trượt môn học nào thì được thi lại!
Theo ông trong 2 kỳ thi đó nên bỏ kỳ thi nào?
Giữ kỳ thi chung vào ĐH như hiện nay, còn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sẽ chuyển cho các tỉnh tự tổ chức, nhẹ nhàng và linh hoạt. Nếu không xuất phát từ thực tiễn, từ tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống giáo dục nước ta mà vẫn “sao chép những cái cũ và lạc hậu” thì sẽ dẫn đến những hậu quả thật khôn lường!