Kỳ thi chung quốc gia: Bỏ phần tự luận trong đề thi Ngoại ngữ
Năm 2015, trong kỳ thi THPT quốc gia, môn Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, không còn phần tự luận như năm học 2014.
Ngày 9/9, phát biểu tại buổi họp báo công bố phương án kỳ quốc gia 2015, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, cấu trúc đề thi trong kỳ thi chung quốc gia sẽ tương tự như năm 2014. Các môn thi tự luận là môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (thời gian 180 phút), còn lại là trắc nghiệm (thời gian 90 phút). Đề thi cũng sẽ gồm các câu hỏi thống nhất, không còn chia thành hai phần bắt buộc tự chọn.
Đặc biệt, trong kỳ thi chung 2015, môn Ngoại ngữ có khá nhiều điểm mới. Cụ thể, đề thi môn Ngoại ngữ năm 2015 sẽ quay trở lại cấu trúc như cũ với hình thức trắc nghiệm (thời gian 90 phút) mà không còn câu hỏi viết luận như 2014.
Trong kỳ thi chung quốc gia, những thí sinh nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (TOEFL, IELTS,...) được miễn thi tốt nghiệp môn này, còn các chứng chỉ khác sẽ được nêu rõ trong quy chế (Bộ GD-ĐT sẽ ban hành trong thời gian tới.
Thí sinh dự thi kỳ thi đại học năm 2014
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay, do thiết kế đề thi đại học 2014 đã đảm bảo yêu cầu của kỳ thi quốc gia chung nên cấu trúc này sẽ tiếp tục được áp dụng.
Đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, điểm mới trong kỳ thi quốc gia, năm 2014, thí sinh đăng ký sau đó thi và xét tuyển còn kỳ thi quốc gia thí sinh có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. “Việc này tạo thuận lợi cho nhà trường, tránh rủi ro đối với thí sinh. Những năm học trước, nhiều thí sinh có điểm thi đại học cao nhưng lại không đỗ, tuy nhiên với quy trình xét tuyển mới này học sinh sẽ có nhiều cơ hội đỗ vào đại học. Quan điểm của chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến thuận lợi nhất cho thí sinh”, ông Trinh nói. Theo ông Trinh, với thí sinh thi kỳ thi quốc gia với mục đích chỉ xét tốt nghiệp, không lấy kết quả kỳ thi này tuyển sinh vào trường đại học cao đẳng, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất Ủy ban nhân dân các tỉnh thành lập một số cụm thi ở địa phương do giám đốc các sở giáo dục đào tạo các tỉnh làm chủ tịch hội đồng coi thi. |