Kỳ thi chung: Học sinh phải chấp nhận, không còn cách nào khác?

Nhiều ý kiến cho rằng, liệu có quá vội vàng khi đem áp dụng một cách thức thi mới cho một thế hệ học sinh đang học và tư duy theo cách cũ?

Trao đổi với PV, ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng: Năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức thi tuyển sinh chung, đa phần các trường tham gia, nhưng một bộ phận các trường không tham gia mà họ tuyển theo quyền hạn mà Luật Giáo dục đại học đã trao cho họ.

Kỳ thi quốc gia năm 2015 sắp tới mà ta nói tới, thực chất là sự chấn chỉnh lại kỳ thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông mà thôi. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lâu nay bị phê phán là độ tin cậy không cao vì thi xong đại bộ phận là đậu hết, có tới 98-99% là tốt nghiệp.

Kỳ thi chung: Học sinh phải chấp nhận, không còn cách nào khác? - 1

Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trong trường hợp như vậy giá trị của 1 kỳ thi không rõ ràng, không sàng lọc, phân loại được nên không thực sự có ích. Thế nên, Bộ GD&ĐT mới cho rằng phải chấn chỉnh lại kỳ thi để thấy rằng em nào xứng đáng được tốt nghiệp, em nào không đủ tiêu chuẩn. Kết quả có độ tin cậy cao thì các trường dựa vào đó làm căn cứ xét tuyển thì là điều đương nhiên. Đó là hiệu quả tốt nếu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông có độ tin cậy.

Theo ông Quân, giải  pháp đó tạo ra sự ngỡ ngàng cho học sinh khi đã quen với cách thi cũ thì ta cũng đành phải chấp nhận, không còn cách khác. Các em buộc phải khắc phục tình trạng học lệch như hiện nay.

Trước ý kiến cho rằng, trong ba trụ cột cải cách “đổi mới chương trình – đổi mới phương pháp dạy, học - đổi mới thi cử”, Bộ GD&ĐT đang chọn khâu dễ nhất là đổi mới thi cử để làm, ông Quân cho rằng: Cải cách thi cử cấp bách và không thực sự phải phụ thuộc quá nhiều vào quá trình đổi mới nội dung chương trình. Học thế nào thì mình thi nội dung đó để kiểm tra chất lượng.

Vấn đề chúng ta đang bàn tới là cách thi. Còn nói về nội dung cải cách, phải đi từ tái cấu trúc cơ cấu hệ thống, nêu ra sứ mệnh của từng cấp học, nêu ra mục tiêu của nó. Từ đó mới đưa ra cách thay đổi nội dung học, phương pháp. Cái đó là một loạt một vấn đề phải làm. Thế nên, không nhất thiết phải chờ tất cả những đó thay đổi thì mới thay đổi thi cử.

Điều đương nhiên là khi mình đổi mới nội dung chương trình, phương pháp thì câu hỏi thi sẽ theo chương trình đó. Còn khi chưa đổi mới thì sẽ nội dung cũ. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá. Vấn đề là phương pháp tổ chức thi có nghiêm túc không, tạo ra kết quả thi cử có độ tin cậy cao không. Thế cho nên, cải cách thi cử là điều bây giờ vẫn có thể làm được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Lan - Thế Tào - Phạm Hạnh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN