Kỷ luật học sinh cũng cần phải có “nghệ thuật”
Thời gian qua, nhiều vụ việc giáo viên, nhà trường có hình thức kỷ luật học sinh theo kiểu “không giống ai” khiến dư luận bất bình vì lạm quyền, thiếu tính giáo dục.
Tiêu biểu như ngày 5/11 vừa qua, trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM) tổ chức kỷ luật em M.Q., học sinh lớp 8, bằng cách đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, nói lời xin lỗi đến nhóm nhạc Hàn Quốc BTS vì đã có lời lẽ xúc phạm nhóm nhạc này trên mạng xã hội. Đoạn clip kỷ luật này được công khai lên fanpage của trường gây dư luận trái chiều.
Trước đó, ngày 10/5, mạng xã hội xôn xao về hình ảnh nam sinh bị cô giáo bắt phạt quỳ ngay giữa giờ học nhưng em này phản đối, không quỳ theo yêu cầu của giáo viên. Theo đơn kiến nghị của phụ huynh đăng trên mạng xã hội, học sinh vi phạm quy định của lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B trường THCS Tô Hiệu yêu cầu 2 em quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó, một học sinh không chấp nhận quỳ nên bị cô đuổi ra khỏi lớp.
Học sinh bị giáo viên kỷ luật theo hình thức quỳ gối.
Trước hàng loạt vụ việc nhà trường, giáo viên kỷ luật học sinh bằng cách đánh, tát, bắt thực hiện những hình thức phạt không mang tính giáo dục khác, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho biết, hiện nay, có những môi trường mà nếu học sinh có lỡ va chạm nhau thì thầy cô tìm mọi hình thức kỷ luật để răn đe, đè nén học sinh. Các em không được chỉ bảo, tìm hiểu ngọn ngành từ tính cách tới hoàn cảnh riêng để có biện pháp cho phù hợp.
"Xu hướng trong nhiều nhà trường hiện nay là kỷ luật thật nặng học sinh. Các trường này cho rằng, kỷ luật nặng thì có thể chấm dứt bạo lực học đường. Nhà trường cần xác định rằng, kỷ luật là để học sinh tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, trong đó kỷ luật cũng là một phương pháp giáo dục. Kỷ luật chỉ có hiệu quả khi nó giúp học sinh nhận thức sâu sắc về thiếu sót của mình và nỗ lực hoàn thiện mình" - TS. Lâm chia sẻ.
Chia sẻ câu chuyện về kỷ luật mang tính giáo dục học sinh tại trường, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - giáo viên Trường quốc tế Nhật Bản (Hà Nội) cho biết, học sinh đi học tại trường được khen là chính, để các em thấy yêu thích đi học. Đối với kỷ luật, luôn tôn trọng sự công bằng, không bao giờ xúc phạm học sinh. Trường hợp học sinh mắc lỗi, các thầy cô không bao giờ phê bình các con trước tập thể mà phân tích sự việc, giúp các con nhận thức được vấn đề.
Thực tế hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT nhưng có một số quy định chưa đồng bộ, không còn phù hợp. Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ GD&ĐT), một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là các nội dung trong một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây.
Đặc biệt, quy định về xử lý kỷ luật học sinh hiện nay mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Điều này được cho là hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo hực học đường chưa đạt kết quả cao.
"Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Sở GD&ĐT, Bộ sẽ nghiên cứu tổng hợp, khái quát để đưa vào hướng dẫn tại dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông" - ông Bùi Văn Linh thông tin.
Sau thời gian tạm đình chỉ, Trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã ban hành quyết định kỷ...
Nguồn: [Link nguồn]