Kiểu “tằn tiện” này của cha mẹ đang phá hủy tương lai con trẻ
Ai cũng biết rằng, tiền bạc rất quan trọng nhưng nếu để con cái có những nhận thức sai lầm, điều đó sẽ ảnh hưởng tới tư duy và tính cách của chúng sau này.
Dù giàu hay nghèo, một số cha mẹ đều có chung một tâm lý đó là sợ con mình tiêu tiền hoang phí. Vì thế, để rèn luyện cho con cái có tính cần cù, tiết kiệm, cha mẹ đã nghĩ ra không ít cách khác nhau.
Cô Trần đang điều hành một xưởng sản xuất máy móc tư nhân với hơn 400 nhân công. Cô sở hữu nhiều bất động sản trên khắp nước, trong mắt của mọi người có thể nói rằng gia đình cô thuộc dạng khá giả.
Mọi người nghĩ rằng, con cái của cô chắc hẳn có một cuộc sống nhung lụa, tiêu tiền thoải mái. Thế nhưng, cô chưa bao giờ mua đồ cho con cái quá 1 triệu, thường tận dụng đồ cũ được họ hàng, bạn bè cho. Con cô hiếm khi được mẹ mua cho đồ chơi hay truyện tranh. Ngoại trừ cái ăn, mọi thứ khác của con cái chẳng khác nào “con nhà nghèo”.
Con trai cô Trần rất nhát gan, ngồi xem tivi cũng liếc nhìn sắc mặt của mẹ mình như thế nào. Cô nghĩ rằng cách dạy con của mình là đúng đắn, có như thế chúng mới biết quý trọng đồng tiền và không tiêu pha hoang phí. Thế nhưng trên thực tế, tính cách của con trai cô rõ ràng đang có vấn đề, dễ thấy nhất là cậu bé cực kỳ tự ti.
Trẻ tự ti ảnh hưởng như thế nào tới tương lai?
- Làm sai lệch nhận thức đúng đắn của trẻ về gia đình mình
Lý do chính khiến một số cha mẹ sử dụng cách giáo dục “con nhà nghèo” đối với con mình chính là lo sợ trẻ ỷ lại vào gia đình, sợ tiêu pha phung phí. Tuy nhiên, trước năm 10 tuổi, trong thế giới quan của một đứa trẻ, hành vi của cha mẹ có sức ảnh hưởng rất lớn. Điều này có nghĩa là trẻ có xu hướng tin vào cách giáo dục của cha mẹ hơn là những gì mình nhìn thấy.
Mặc dù gia đình không thiếu tiền nhưng bọn trẻ vẫn cảm thấy tiền rất quan trọng, nhà mình rất nghèo, không thể so sánh với bạn bè.
- Ảnh hưởng tới EQ và nhận thức về tài chính của trẻ
Khi một đứa trẻ đã quen sống trong cái nghèo, trong bất cứ chuyện gì chúng cũng đều thấy rằng đồng tiền cực kỳ quan trọng. Điều này có thể dẫn tới một tình trạng đó là khi trẻ lớn lên, dù kiếm được tiền cũng không dám tiêu cho bản thân.
Một người có tiền, giàu có nhưng không dám tiêu chẳng khác nào keo kiệt. Đây chính là hậu quả của nhận thức sai lầm về vấn đề tiền bạc.
Ở một góc độ khác, khi một đứa trẻ sống dưới sự áp bức của cha mẹ, trong lòng luôn ngập tràn cảm xúc tiêu cực, một khi thiếu đi sự giám sát của cha mẹ, chúng sẽ nổi loạn, tiêu xài hoang phí, sống xa hoa như một cách bù đắp lại những năm tháng sống thiếu thốn của bản thân.
Cha mẹ nên dạy con như thế nào cho đúng?
Trước hết, cha mẹ không thể giấu mãi hoàn cảnh gia đình mình. Dù có tiền nhiều hay ít cũng phải nói thật, cha mẹ không cần quá để ý tới việc con cái thực sự hiểu vấn đề hay không vì sớm muộn gì chúng sẽ hiểu.
Trên cơ sở này, cha mẹ cần đảm bảo rằng những đứa trẻ khác có cái gì thì con mình cũng được như vậy. Có thể trẻ không cần thiết phải sống theo kiểu “rich kid” nhưng cũng không nên để chúng thua kém bạn bè được. Tất cả những điều này nhằm ổn định cảm xúc tinh thần cho trẻ, để chúng không tự ti về bản thân.
Cha mẹ thường xuyên nhắc nhở trẻ về tầm quan trọng của việc cố gắng kiếm tiền. Dù gia đình giàu có như thế nào đi chăng nữa, nếu con cái chỉ biết tiêu pha không nỗ lực làm việc, tiền bạc rồi cũng sẽ hết.
Việc rèn luyện thói quen siêng năng, tiết kiệm là một xuất phát điểm tốt của trẻ, nhưng nếu phương pháp giáo dục của cha mẹ không đúng nó sẽ gây ra những rắc rối lớn.
Nếu muốn trẻ có những hiểu biết đúng đắn về tiền bạc và cuộc sống sau này tốt hơn, cha mẹ nên dạy chúng về tài chính ngay từ nhỏ.
Nguồn: [Link nguồn]