Kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến: Làm gì để hạn chế gian lận?

Sự kiện: Giáo dục

Do dịch bệnh COVID-19 căng thẳng và kéo dài, nhiều tỉnh, thành phải cho học sinh kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến. Sau những lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu, đến nay cả cô và trò đều đã quen với việc thi, kiểm tra trực tuyến. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất khi thực hiện hình thức thi, kiểm tra này vẫn là làm sao để đảm bảo công bằng và đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh, phụ huynh có con học lớp 5 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Năm 2020, do diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội căng thẳng, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường con gái chị đã kiểm tra học kỳ II bằng hình thức online. Do đây là hình thức kiểm tra mới, lần đầu tiên thực hiện nên cả cô và trò đều phải “tập dượt” nhiều buổi để các con làm quen, thích ứng trước khi bước vào làm bài kiểm tra chính thức. Năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên học kỳ I này các con vẫn tiếp tục kiểm tra học kỳ bằng hình thức online. Theo chị Hạnh, với hình thức kiểm tra online, hầu hết các môn thi đều được thiết kế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm nên giảm tải được việc phải học thuộc lòng, thi xong là biết điểm ngay, khá thuận lợi cho học sinh. Tuy vậy, hạn chế của hình thức thi này là phụ huynh có thể tác động đến kết quả bài làm nếu có chủ ý… gian lận.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế gian lận, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của cha mẹ học sinh. Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế gian lận, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của cha mẹ học sinh. Ảnh minh họa.

Trên nhiều diễn đàn, các nhóm kín, học sinh đã “truyền tai” nhau cách chia sẻ đáp án bằng việc sử dụng song song hai thiết bị điện tử. Rồi tình trạng con cái nhờ cha mẹ, anh chị thi hỗ trợ, nhắc bài không phải hiếm. Thậm chí, có trường hợp học sinh tiểu học từng tham gia thi trực tuyến mà bên cạnh là gia sư dạy kèm… Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên dạy lớp 4 tại một trường Tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) thừa nhận: Việc có không ít trường hợp gian lận trong kiểm tra trực tuyến đã và đang thử thách giáo viên phải phân định chất lượng thực và giá trị ảo, đánh giá đúng đắn và sát sao năng lực thực tế của học sinh. Do vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở phụ huynh cố gắng cần tạo lập cho con ý thức tự học, tự lực khi làm bài kiểm tra. Đặc biệt, cha mẹ hãy biết chấp nhận điểm số “chưa đẹp”, thành tích chưa như ý của trẻ để từ đó có thể đo lường được chất lượng học trực tuyến để đánh giá khách quan, minh bạch quá trình dạy học và có giải pháp để điều chỉnh phù hợp - cô Hà chia sẻ.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, ngoài việc nhắc nhở thường xuyên học sinh, phụ huynh về ý thức trung thực trong kiểm tra, thi cử, bản thân các thầy, cô giáo cũng phải luôn cố gắng trau dồi kỹ năng ra đề, cố gắng làm sao xây dựng được các câu hỏi phù hợp với sức học của học sinh, hạn chế việc học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc. Nói cách khác, để hạn chế gian lận, giáo viên phải thay đổi một số hình thức đánh giá theo cách cũ. Không nên quá chú trọng vào điểm số học sinh, thay vào đó cần hướng đến đánh giá khả năng hiểu bài và mức độ vận dụng kiến thức để làm bài của học sinh. Đây cũng là cơ sở để giáo viên làm căn cứ để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học khi học sinh đi học trở lại.

Trước băn khoăn, lo lắng của một số phụ huynh học sinh phổ thông về tính chính xác, khách quan của bài kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, học sinh chỉ còn 4 bài kiểm tra đánh giá định kỳ. Bài kiểm tra có thể thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính, cũng có thể qua bài thực hành hoặc dự án học tập để các thầy cô, nhà trường lựa chọn một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Theo ông Thành, giáo viên và phụ huynh cần hiểu rằng kiểm tra chỉ là nhất thời. Phụ huynh nên nhìn nhận việc kiểm tra định kỳ trực tuyến ở khía cạnh tích cực, đánh giá đúng năng lực người học thay vì lo lắng việc gian lận. “Các trường vẫn có những biện pháp giám sát việc thi, kiểm tra qua camera, theo dõi, coi thi bình thường... 

Với góc độ của người làm công nghệ, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone, cho rằng: Việc tổ chức thi trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng tương đương 100% như thi truyền thống. Nhưng về lâu dài, thi, kiểm tra trực tuyến không chỉ áp dụng trong thời điểm giãn cách xã hội mà nên áp dụng cả vào trường học truyền thống theo mô hình online-offline. Tức là, thi trên máy được tổ chức tại trường hoặc có giáo viên giám sát. Để làm được điều này, các nhà trường nên sử dụng những phần mềm phục vụ dạy học trực tuyến chuyên nghiệp, có hệ thống tự động xáo trộn câu hỏi trong 1 đề, có hệ thống chống copy paste đề và câu hỏi ra ngoài, thi kèm bật camera giám sát từng học sinh và có hình thức cảnh báo gian lận.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: Học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 kiểm tra học kỳ I như thế nào?

Bài kiểm tra định kỳ đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 có thể được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN