Không tin được đó là lớp học

Mái tôn lè tè, vách trống hoác, ghế gãy, bàn long… thật tình tôi không thể nào tin được đó chính là phòng học của ngôi trường tọa lạc ngay giữa vùng đô thị của tỉnh Đồng Tháp. Lòng càng đau đáu khi biết rằng từ 10 năm qua, thầy cô nơi đây phải tận dụng khoảng trống ngay trước nhà vệ sinh làm nơi nghỉ ngơi.

Không phải cá biệt

Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn khi biết tình trạng này không phải là cá biệt. Tại Trường THCS Tân Nhuận Đông (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành), gần 10 năm qua kể từ ngày được tách ra từ trường cấp II-III, hơn 1.000 học sinh và trên 70 GV nơi đây phải dạy - học trong cảnh hết sức khó khăn.

Không tin được đó là lớp học - 1

Thầy - trò Trường THCS Cái Tàu Hạ (Châu Thành, Đồng Tháp) phải dạy - học trong  cơ ngơi rệu rã này suốt gần 10 năm qua

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Điệp cho biết: Trường có 16 phòng, gồm bốn phòng lắp ghép bằng tôn và 10 phòng được tận dụng từ nhà ở tập thể của Trường Trung học Nông nghiệp xây từ những ngày đầu giải phóng, vì thế, không đạt quy chuẩn về diện tích, ánh sáng.

Không tin được đó là lớp học - 2

Thậm chí ngay cả bàn ghế học sinh cũng trong tình trạng vá víu, tạm bợ

Nhiều GV ở đây luôn phập phồng lo sợ trước khả năng những mảng tường rệu rã có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. “Vậy mà nhiều năm liền chúng tôi còn thiếu phòng”, ông Điệp bức xúc. Sau khi vận động nhiều nơi, nhiều nguồn, trường cũng chỉ đủ cất hai phòng cho thư viện và thiết bị. Nói chính xác hơn là hai túp lều để chứa sách và chất thiết bị. Vì vậy, đối với thầy cô nơi đây, câu chuyện về phòng chức năng để GV hướng dẫn học sinh thực hành thí nghiệm… gần như là thứ gì đó quá xa xỉ, thậm chí xa lạ.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là sự khởi đầu cho câu chuyện thiếu thốn đến khó tin đã và đang đeo bám ngôi trường này. Không chỉ đều đặn thuê thợ mộc dặm vá bàn ghế vào mỗi Chủ nhật, trường còn phải thuê nhà dân để tổ chức dạy bồi dưỡng học sinh yếu kém. Tuy chỉ thuê một phòng với số tiền 600.000đ/tháng, nhưng ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI mà vẫn phải nói đến chuyện góp tiền thuê nhà dân để dạy học thì quả là chuyện khó tin. Trong công văn khẩn gởi Bộ GD-ĐT vào hồi tháng 8/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Thái cho biết: Toàn tỉnh có 386 phòng học phải… mượn của dân.

Thiếu tiền hay thiếu tính toán?

“Thiếu tiền” - đó là câu nói cửa miệng mà các vị có trách nhiệm lý giải cho việc chậm chạp xây dựng trường lớp ở Đồng Tháp. Ông Hồ Văn Thống, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết, bình quân mỗi năm kinh phí xây dựng trường lớp của tỉnh vào khoảng 400 tỷ đồng, trong đó khoảng 100 tỷ đồng do đơn vị thuộc tỉnh quản lý, số còn lại chia về 12 huyện, thị.

Không tin được đó là lớp học - 3

Không có phòng, thầy cô Trường THCS Cái Tàu Hạ phải tận dụng khoảng trống trước cửa nhà vệ sinh để làm nơi nghỉ giải lao

Như vậy, bình quân mỗi đơn vị huyện tiếp nhận 20-30 tỷ đồng/năm, tức chỉ đủ để xây một-hai trường học. Đã vậy, việc giải ngân thường chậm trễ khiến cho việc xây dựng không bảo đảm tiến độ. Điển hình là trụ sở mới của Trường THCS Cái Tàu Hạ. Được khởi công vào ngày 26/4/2010, theo kế hoạch đến 4/11/2011, công trình 20 phòng học, bốn phòng chức năng có tổng kinh phí xây dựng 14,6 tỷ đồng sẽ hoàn thành. Thế nhưng, mãi đến giữa tháng 9/2012 vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Không tin được đó là lớp học - 4

Trong lúc ngôi trường khang trị giá gần 15 tỷ đồng “bỏ trống” thì thầy-trò trường THCS Cái Tàu Hạ (Châu Thành-Đồng Tháp) phải dạy-học trong cơ ngơi cũ và rệu rã này suốt gần 10 năm qua

Tuy nhiên, đáng lo hơn là tình trạng thiếu phòng, thiếu lớp xuất phát từ nạn thiếu tính toán. Điển hình như trường hợp Trường THCS Tân Nhuận Đông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm trước, trường được đưa vào danh sách được xây mới, nhưng do địa phương chưa “tính” được mặt bằng nên nguồn vốn này đã được chuyển sang nơi khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lục Tùng (Phụ nữ TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN