Không thể "xé" môn Lịch sử để lắp ghép vào môn khác

Trước việc dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lồng ghép môn Lịch sử ở cấp tiểu học và THCS, đưa môn này thành môn tự chọn ở cấp THPT, nhiều ý kiến đã không đồng tình.

“Bây giờ các vị muốn tích hợp thì phải đem các môn khác tích hợp vào môn Lịch sử chứ không nên làm ngược lại là xé môn cốt lõi này ra thành các mẩu nhỏ rồi tích hợp vào các môn mới không phải là cơ bản, cốt lõi”, GS-TS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tỏ ý không hài lòng khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lồng ghép Lịch sử với các môn khác thành môn Công dân với Tổ quốc.

Không thể "xé" môn Lịch sử để lắp ghép vào môn khác - 1

Nếu lịch sử là môn tự chọn thì học sinh sẽ quay lưng với lịch sử?. Trong ảnh: người dân và học sinh tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). 

Theo GS Ngọc, tích hợp là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên không thể ghép lịch sử với các môn khác để trở thành môn mới. Lịch sử phải trở thành môn độc lập và bắt buộc. “Các học phần đạo đức-công dân, quốc phòng-an ninh có thể nên tích hợp vào môn Lịch sử chứ không nên làm điều ngược lại là tích hợp môn Lịch sử vào các học phần này” - GS Ngọc thẳng thắn.

GS Ngọc cho rằng nếu lồng ghép như vậy sẽ từng bước “khai tử” môn lịch sử trong các môn học phổ thông. Khi lịch sử cùng với nhiều phân môn khác tạo thành một môn thì sự hiểu biết của các em về lịch sử chỉ bằng một phần tư, một phần năm các môn học khác, tính theo logic thông thường. Đây là điều vô cùng nguy hiểm.

“Lịch sử là trí nhớ của dân tộc. Đánh mất lịch sử là đánh mất trí nhớ, mà con người và dân tộc phát triển không thể không có trí nhớ” - ông Ngọc ví von.

Theo GS Ngọc, chương trình phổ thông của nhiều nước tiên tiến, trong đó có Mỹ bao giờ người ta cũng xếp Lịch sử là môn học bắt buộc, quan trọng hàng đầu trong hệ thống giáo dục phổ thông. “Không có lý gì, khi chúng ta học hỏi và tiếp nhận những kinh nghiệm của thế giới mà lại đối xử với môn Lịch sử lạ lùng đến như vậy? Do đó, tôi đề nghị là môn Lịch sử phải được đặt đúng vị trí vốn có của nó, dứt khoát phải là môn bắt buộc ở nhà trường phổ thông” - GS Ngọc đề nghị.

GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng lịch sử khác với giáo dục quốc phòng an ninh và khác với nội dung giáo dục công dân. Nếu ghép ba môn vào như dự thảo đưa ra là khập khiễng.

Việc tích hợp môn Lịch sử của bộ như thế là thiếu cơ sở khoa học, mang tính gò ép, như vậy sẽ phá nát chương trình môn Lịch sử.

Theo GS Bình, ở các nước phát triển, không nước nào cho Lịch sử là môn tự chọn. Những nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước chúng ta đang học tập về giáo dục, cũng coi lịch sử là bắt buộc.

GS Bình cũng lo ngại nếu Sử trở thành môn tự chọn ở THPT thì sẽ hiếm có người chọn môn này. Như vậy người Việt Nam đang quay lưng lại với lịch sử dân tộc. 

Trả lời báo chí, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định: “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tranh luận tới cùng để đưa môn học quan trọng này trở thành môn bắt buộc riêng biệt. Có thể, trong tháng 11 này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề trên”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Theo Huy Hà (Pháp luật TP.HCM) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN