Không thể hy sinh chất lượng để cứu trường

Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Thanh Thiếu Niên & Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi.

Theo ông Thi, năm 2012, ngành GD&ĐT có bước tiến quan trọng trong việc siết chặt kỷ cương, đặc biệt với giáo dục (GD) đại học (ĐH). Tuy nhiên, đứng trước nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam, nếu không thận trọng, ngành GD&ĐT vẫn có thể lại đi vào thất bại của các cuộc cải cách trước đây.

Theo ông Đào Trọng Thi, một trong các vấn đề nổi cộm nhất của năm 2012 là chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD chưa có bước tiến nào đáng kể; việc xây dựng đề án chưa đạt được yêu cầu đặt ra nên Hội nghị Trung ương đã chưa thông qua.

Ông Thi nói: ngành GD&ĐT cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện để hy vọng được thông qua ở các hội nghị Trung ương năm nay, đây là nhiệm vụ cấp bách nhất. Ông Thi cũng nhấn mạnh: cả GD ĐH lẫn GD phổ thông còn rất nhiều bộn bề cần giải quyết ngay trong năm 2013 này.

Theo ông, ở khu vực GD ĐH, vấn đề “cần làm ngay” là gì?

Kỳ thi tuyển sinh vừa qua bị một mùa thất bát và ngành vẫn chưa tìm ra giải pháp để giúp định hướng cho các cơ sở GD ngoài công lập (CL) và ĐH địa phương, những trường muốn giảm nhẹ kiểm soát chất lượng để tuyển sinh được nhiều hơn.

Tôi cho rằng, điều này là không thể chấp nhận - không thể hy sinh chất lượng để cứu các trường. Điều mà ngành GD&ĐT cần làm là tìm ra giải pháp để các trường phát triển đúng hướng, đảm bảo quy mô và ưu tiên đảm bảo chất lượng. Đây chính là điểm tối mà tới giờ ngành GD&ĐT vẫn chưa tìm ra được hướng đi sau bao nhiêu thảo luận.

Việc lớn bao trùm hơn là thực hiện nghiêm túc luật GD ĐH để tạo ra được một bước chuyển biến rõ rệt. Bước đầu siết chặt kỷ cương ở GD ĐH đã là một tiền đề tốt để thực hiện tốt những điều pháp luật quy định để có thể có biến chuyển mang tính đột phá.

Không thể hy sinh chất lượng để cứu trường - 1

Chủ nhiệm UB Văn hóa GD-TTN &NĐ của Quốc hội Đào Trọng Thi

Giáo dục phổ thông (GD PT) sẽ bắt đầu từ đâu trong đống lùng nhùng nổi cộm, từ dạy thêm học thêm, lạm thu đến chương trình sách giáo khoa mới?

Ở GD PT, giáo dục mầm non đã bắt đầu được quan tâm đến nhưng còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết.

Thứ nhất là đội ngũ giáo viên (GV), từ chế độ chính sách, chế độ phát triển để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, đảm bảo chất lượng… trong tình hình GV thừa, thiếu không đồng đều ở các khu vực GD khác nhau.

Hai là việc đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK), một vấn đề lớn đang rất có… vấn đề. Yêu cầu đến 2015 là phải có bộ SGK mới để thí điểm; nhưng, cho đến thời nay khi mà thời gian còn lại là rất ít, trong một buổi làm việc của đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội về GD PT đề cập nhiều đến đảm bảo chất lượng GD PT trước Tết nguyên đán thì, hóa ra, CT, SGK vẫn còn rất nhiều bề bộn .

Cho đến nay mà định hướng đổi mới chưa rõ ràng, những vấn đề như phân ban thế nào, có giống hay khác với phân ban hiện nay.... chưa hề rõ ràng, ít nhất là theo báo cáo của ngành GD&ĐT.

Các định hướng căn bản như: xây dựng chương trình thế nào, một bộ SGK hay nhiều bộ… còn chưa có thì làm sao xây dựng được chương trình hay viết sách! Tôi ngạc nhiên vì theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thì những nhận thức về các vấn đề đó còn rất mờ nhạt.

Vậy theo ông ngành GD&ĐT sẽ làm thế nào để khắc phục hạn chế trên?

Khuyết điểm của chúng ta trong những lần đổi chương trình và SGK trước đây dẫn đến, nói thẳng ra, không thành công là do chuẩn bị không tốt, như dư luận xã hội bức xúc và Bộ trưởng GD&ĐT cũng thừa nhận, là đã làm theo quy trình ngược: viết SGK rồi mới làm chương trình; SGK thì làm cuốn chiếu; không có thiết kế tổng thể khiến SGK không khớp giữa các các cấp học, giữa các lớp học với nhau...

Hơn nữa, khi đã có chương trình, SGK thì quan trọng nhất là 2 điều kiện để triển khai tốt bao gồm đội ngũ (phải đáp ứng yêu cầu), cơ sở vật chất (CSVC) (phải phù hợp và đáp ứng mục đich sử dụng).

Nhưng bây giờ cả 2 yếu tố đó cũng còn bề bộn: đội ngũ giáo viên còn rất nhiều vấn đề và chưa có định hướng gì; CSVC thì không phù hợp: (thiếu tiền nhưng nhiều thiết bị mua sắm xong lại đắp chiếu không sử dụng được. Làm sao có thể đổi mới căn bản toàn diện khi 2 điều kiện đó chưa có rục rịch gì đáng kể?

Với vai trò giám sát của mình, Quốc hội, sẽ làm gì để trợ giúp ngành GD&ĐT trong năm 2013?

Nam nay, Thường vụ Quốc hội bắt đầu triển khai giám sát chuyên đề về đảm bảo chất lượng GD phổ thông và chương trình, SGK và cố gắng để tạo ra một cú híc để GD PT nhận được sự thúc đẩy, chuẩn bị tốt đề án đổi mới chương trình, SGK, để từ đó thực sự đổi mới căn bản và toàn diện.

Trên cơ sở cuộc giám sát này tôi mong muốn Quốc hội có đóng góp quan trọng ở chỗ sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý mới như đối với đại học, phù hợp với đổi mới căn bản toàn diện GD Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN