Không phải trẻ lười biếng, đây mới là lý do khiến con mất tập trung và cách khắc phục
Cha mẹ hiểu đúng được nguyên nhân khiến con mình lười biếng, mất tập trung khi học, trẻ mới cải thiện được tình trạng của mình.
Có một người mẹ đưa con gái đến tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn tâm lý. Bà nhận thấy con gái mình thường lơ đãng khi làm bài tập về nhà, không thể làm xong 1 trang trong suốt 1 tiếng đồng hồ, luôn đầy lỗi sai.
Trên bàn của cô con gái bày đầy sách nhưng cô bé thường ngơ ngác nhìn xung quanh. Dù bị mẹ mắng mỏ nhưng tình trạng của cô bé chẳng cải thiện mấy. Quá mệt mỏi với việc học của con gái, bà đã đưa con tới hỏi ý kiến của chuyên gia.
Chuyên gia nghe xong những lời người mẹ kể mà không nói gì, chỉ yêu cầu được nói chuyện riêng với đứa trẻ. Sau khi hỏi kỹ, cô bé cho biết vì bố mẹ bận việc nên từ nhỏ đã sống với ông bà. Nhiều năm không được bố mẹ quan tâm nên sinh ra cảm giác chán chường, cộng với thành tích kém nên cô bé rất tự ti.
Năm 10 tuổi, cô bé được mẹ đón về chăm sóc nhưng người mẹ không để ý tới cảm xúc của con mình mà lúc nào cũng ép con học. Dần dần mỗi khi học bài cô bé luôn uể oải, chán chường, người như thiếu năng lượng.
Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của cô bé, chuyên gia tư vấn đã nói với người mẹ rằng: "Năng lượng của đứa trẻ quá thấp. Nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này không phải là ép con học tập mà là tăng cường năng lượng cho con".
Chuyên gia đã kê một “toa thuốc” để điều trị tình trạng của cô bé này:
“Khi con làm bài tập chậm chạp, mẹ đừng hối thúc hay ép buộc. Mỗi ngày mẹ cần dành ra 1 tiếng đồng hồ đồng hành cùng con, đưa con đi dạo, đi chơi nhưng đó phải là việc con thích. Hãy nói một cách chân thành với con rằng ‘con thật tuyệt vời’ mỗi ngày...”.
2 tháng sau, người mẹ hào hứng gọi điện cho chuyên gia tư vấn và nói rằng, giờ đây con gái bà đã có thể hoàn thành bài tập về nhà một cách có ý thức, khác trước rất nhiều.
Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa khiến cô bé thay đổi là do năng lượng đã được cải thiện.
David Hawkins - giáo sư tâm lý học người Mỹ từng đề xuất “thuyết phân cấp năng lượng”. Theo đó, mỗi người đều có mức năng lượng riêng, giống như pin của điện thoại di động.
Một đứa trẻ có mức năng lượng thấp giống như một đoàn tàu không thể kéo được và cảm thấy mọi thứ đều nhàm chán. Và một đứa trẻ có mức năng lượng cao giống như một mặt trời nhỏ, tràn đầy năng lượng trong mọi việc.
Khi năng lượng của trẻ thấp, tức là khi pin yếu, trẻ không còn sức để nói về việc tự hoàn thiện và tự chủ. Chỉ khi có đủ năng lượng, trẻ mới sẵn sàng thực hiện một số nhiệm vụ khó khăn như học tập chăm chỉ, kiên nhẫn giao tiếp với cha mẹ, tích cực tập thể dục, v.v.
Nhiều khi con bạn không hề lười biếng mà năng lượng lại quá thấp.
Sau 30 năm nghiên cứu, giáo sư David Hawkins nhận thấy rằng: “Nếu một người ở mức năng lượng thấp hơn trong thời gian dài sẽ dẫn đến một số bệnh tâm thần. Trẻ em có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, lo lắng, hưng cảm và sự nổi loạn sẽ xuất hiện”.
Cha mẹ nên làm gì khi con thiếu năng lượng?
Cha mẹ cần biết rằng, không phải đứa trẻ nào cũng hoàn hảo. Khi con bạn cư xử không như mong đợi, đừng gán cho con cái mác vì có thể con đang thiếu năng lượng.
Lúc này, điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nạp lại năng lượng cho con. Dưới đây là một số cách giúp trẻ tăng cường năng lượng:
1. Nuôi con bằng tình yêu thương
Không có bậc cha mẹ nào không yêu thương con cái, nhưng chỉ có tình yêu thương trong lòng thôi thì chưa đủ mà phải được thể hiện thường xuyên.
Bạn hãy luôn đồng hành cùng con mình, động viên, tạo những điều bất ngờ, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu của cha mẹ là như thế nào.
Buổi sáng, khi trẻ mở mắt ra, bạn mỉm cười hôn lên trán con và ôm con thật chặt.
Sau khi tan sở về nhà, hãy nghe con kể những điều thú vị xảy ra trong ngày. Buổi tối trước khi đi ngủ, hãy kể cho con nghe một câu chuyện và chúc nhau ngủ ngon.
Chỉ khi con bạn thực sự cảm nhận được tình yêu thương, chúng mới có đủ cảm giác an toàn và luôn tràn đầy năng lượng.
2. Khen ngợi trẻ nhiều hơn
Mặc dù ngôn ngữ là vô hình nhưng nó tràn ngập căn phòng, gia đình, môi trường và trái tim của mỗi người. Đồng thời, nó giống như một “viên đạn”, bắn vào tim người ta mà không nhìn thấy được.
Có 2 việc mà cha mẹ nên làm mỗi ngày trong quá trình trưởng thành của con mình là vỗ vai, sờ đầu trẻ và khen ngợi “con thật tuyệt vời, con giỏi hơn bố mẹ rồi đấy”. Dưới sự khen ngợi này, trẻ sẽ tràn đầy động lực học tập hơn.
3. Khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời
Cuộc sống của trẻ gắn liền với 2 nơi là trường học và ở nhà. Một căn nhà buồn tẻ sẽ cắt đứt niềm vui của chúng, thậm chí còn làm cạn kiệt năng lượng.
Cha mẹ nên đưa con mình ra ngoài chơi nhiều hơn, đặc biệt tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời. Những đứa trẻ yêu thích thể thao sẽ luôn tràn đầy năng lượng, khả năng tập trung tốt hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng, khi bạn tập thể dục, cơ thể sẽ sản sinh ra dopamine, serotonin và norepinephrine, những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng có thể tăng cường sinh lực cho con bạn.
Cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên, chạy nhảy, vận động để trẻ cảm nhận được ánh nắng của cuộc sống.
4. Giúp trẻ tìm thấy niềm đam mê
Thế giới của nhiều đứa trẻ chỉ có việc học và bài tập về nhà, thời gian còn lại dành cho game, lướt Internet và giao lưu trong thế giới ảo.
Tuy nhiên có một số sở thích có thể làm phong phú thêm cuộc sống sau giờ học của trẻ, giúp trẻ thoát khỏi khỏi cuộc sống nhàm chán. Cha mẹ cần giúp con tìm thấy đam mê của mình và hỗ trợ con.
Một sở thích duy trì lâu dài có thể mang lại cho trẻ một nguồn năng lượng trong trái tim.
5. Cha mẹ sống tích cực
Trong một ngôi nhà, năng lượng có tính lây lan. Nếu cha mẹ thường xuyên chán nản, lười biếng, dễ xúc động thì con cái khó có thể có được trạng thái năng lượng tích cực, vui vẻ, tự giác cao.
Vì vậy, cha mẹ phải chú ý duy trì năng lượng tích cực, làm nhiều việc mà mình yêu thích như vẽ tranh, viết lách, nghe nhạc, ngủ sớm, dậy sớm, cần bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữ tâm trạng vui vẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, lá thư của người mẹ này sẽ là lời cảnh tỉnh và nhắn nhủ dành cho những đứa trẻ vẫn đang đắm chìm trong sự lười biếng mỗi ngày.