Không phải cứ thích gì được mua nấy, 9 điều này mới là thứ trẻ thực sự mong muốn có ở cha mẹ

Sự kiện: Dạy con

Con cái đôi khi có rất nhiều điều muốn nói với cha mẹ nhưng không biết mở lời như thế nào.

"Quá nhiều bố mẹ tự gây áp lực vì đặt ra những tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau, không tương thích và không thực tế", tiến sĩ Nancy Darling, giảng viên tâm lý Đại học Oberlin, Ohio (Mỹ) nhận định sau gần 40 năm nghiên cứu gia đình.

Theo chuyên gia, các phụ huynh thường cố gắng có mặt mọi lúc con cần và dành thời gian chất lượng bên con trong khi vẫn đảm bảo các công việc bên ngoài cũng như chăm sóc nhà cửa cùng các thành viên con. Tuy nhiên, việc đáp ứng cùng lúc những tiêu chuẩn này là điều không thể.

Tự trách mình khi không thể làm bố, mẹ hoàn hảo không khiến bạn tốt hơn. Thay vào đó, bạn cần nhận ra nên tập trung vào điều gì. Dưới đây là 9 điều mà bọn trẻ mong muốn nhất ở các bậc phụ huynh:

1. Con có mệt không?

Câu hỏi này từ bố mẹ sẽ khiến con cảm thấy mình luôn nhận được sự chăm sóc, yêu thương. Đôi khi chẳng cần lời nói ''đao to búa lớn'', những quan tâm nho nhỏ cũng khiến con cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ.

Điều này cũng khiến trẻ hiểu rằng bố mẹ lúc nào cũng lo lắng cho mình, từ đó cảm thấy yên tâm hơn trong cuộc sống và học tập.

Đôi khi chẳng cần lời nói ''đao to búa lớn'', những quan tâm nho nhỏ cũng khiến con cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ. Ảnh minh họa

Đôi khi chẳng cần lời nói ''đao to búa lớn'', những quan tâm nho nhỏ cũng khiến con cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ. Ảnh minh họa

2. Nếu con không muốn ăn thì cũng không sao đâu

Trẻ con cũng có những ngày cảm thấy trong người không được khoẻ, con sẽ kén ăn, mệt mỏi và không muốn ăn món nào đó mà bình thường con vẫn thích. Lúc này, nhiều phụ huynh có tâm lý ép ăn, sợ con ăn không đủ nên bắt ăn cho bằng được, thấy con có dấu hiệu chán chường, thậm chí là buồn nôn nhưng vẫn không ngừng. Hành động này của bố mẹ khiến con vô cùng sợ hãi, về lâu dài hình thành tâm lý chán ăn, biếng ăn sinh lý, sợ bố mẹ.

Nếu như nhận được câu gợi ý ''nếu con cảm thấy no rồi hoặc không muốn ăn cũng không sao, mình đợi tới bữa tiếp theo có được không'' thì trẻ chắc chắn sẽ cảm thấy rất biết ơn. Đây cũng là cách cho con được cảm thấy thoải mái một chút trước khi tới bữa ăn tiếp theo, bé sẽ ăn ngon miệng hơn nhiều.

Cha mẹ nên nhớ nuôi con không phải là bắt ép, nhồi nhét mà là khiến cho trẻ cảm thấy ngon miệng khi ăn, có như thế trẻ cũng sẽ khoẻ mạnh hơn.

3. Tình yêu vô điều kiện

Các nghiên cứu trong hơn 100 năm qua chỉ ra rằng yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em là tình yêu vô điều kiện. Đứa trẻ cần biết rằng dù chuyện gì xảy ra, chúng vẫn có bố mẹ ở đằng sau yêu thương và bảo vệ.

"Phụ huynh cần trở thành cái mà các nhà khoa học gọi là 'nơi trú ẩn an toàn'", tiến sĩ Darling nói. "Đó là nơi trẻ tìm lại khi sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi".

4. Con muốn bố mẹ kiên nhẫn và tử tế khi dạy con

Việc học cần có thời gian và trẻ em cũng vậy.

Bạn có nhớ con mình ngã bao nhiêu lần trước khi biết đi không. Một đứa trẻ lớn lên cần học rất nhiều thứ, chúng cần có thời gian để hiểu, tiếp thu, kết hợp và sử dụng thông tin đó.

Nếu một đứa trẻ không hiểu trong 10 lần đầu tiên bạn nói điều đó, điều đó không có nghĩa chúng bướng bỉnh mà là cần thêm thời gian và luyện tập. Điều trẻ cần là sự hướng dẫn tử tế và kiên nhẫn của bố mẹ chứ không phải là một hình phạt đầy bạo lực.

5. Được kỳ vọng

Theo tiến sĩ Darling, trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ nếu được người lớn động viên và mong đợi ở chúng những điều tốt đẹp. Đặt ra các kỳ vọng hợp lý là một cách để bố mẹ thể hiện tình yêu với con.

Bố mẹ nên giao cho trẻ một số việc nhà để con cảm thấy mình là người cần thiết. Bên cạnh đó, đừng quên khen ngợi những việc trẻ làm tốt và phê bình những hành động xấu.

"Hãy cho trẻ thấy bạn biết và quan tâm những gì trẻ làm", tiến sĩ Darling khuyên. Nữ chuyên gia tiết lộ thêm trong một khảo sát trên 100 thiếu niên do bà thực hiện, nhiều đứa trẻ uống rượu và sử dụng chất kích thích. Khi được hỏi liệu bố mẹ sẽ nghĩ gì khi phát hiện ra, những thiếu niên này trả lời: "Họ không quan tâm đâu". "Câu nói này cho thấy bố mẹ chúng chẳng hề để ý đến con cái", tiến sĩ Darling nhận xét.

Dù lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, những đứa trẻ trở thành người lớn hạnh phúc, khỏe mạnh dường như đều có ba yếu tố trên. "Hãy tập trung vào những điều đó", tiến sĩ Darling kết luận.

Trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ nếu được người lớn động viên và mong đợi ở chúng những điều tốt đẹp. Ảnh minh họa

Trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ nếu được người lớn động viên và mong đợi ở chúng những điều tốt đẹp. Ảnh minh họa

6. Con nói đi, bố/mẹ nghe đây!

Khi trẻ cảm nhận được sự yên tâm và bố mẹ cũng đang mong muốn lắng nghe mình, trẻ sẽ dễ dàng trút bầu tâm sự. Không dễ để nhận được niềm tin từ con cái, đặc biệt là với những chuyện riêng tư.

Nếu như bố mẹ lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và đưa ra lời khuyên thích hợp thì hẳn những đứa con của họ sẽ vô cùng hạnh phúc.

Không chỉ nghe mà bố mẹ còn cần thông cảm, không mắng mỏ, tỏ ra khó chịu với những thắc mắc có vẻ ngây thơ hoặc lớn trước tuổi của bé. Thử tưởng tượng cứ nói chuyện là sẽ bị bố mẹ mắng thì liệu trẻ con muốn chia sẻ nữa không.

Thế nên, hãy trở thành những phụ huynh điềm tĩnh, bình tĩnh, không cáu giận, có như thế trẻ mới sẵn lòng tâm sự với bố mẹ.

7. Bố mẹ luôn ở đây dù có chuyện gì xảy ra

Cảm giác tin tưởng, sự an toàn là điều khiến một đứa con luôn quay về trong vòng tay bố mẹ dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa.

Những đứa trẻ có cảm giác được gắn bó, an toàn thường kiên cường, sống tích cực, ít bỏ học ở lứa tuổi thiếu niên.

8. Bố/mẹ cám ơn con!

Lời cảm ơn nghe có vẻ hơi trang trọng nhưng lại vô cùng cần thiết. Chúng ta không có thói quen nói lời cảm ơn với những người thân thiết nhất của mình, thế nhưng hãy thử nói ra và cảm nhận kết quả kì diệu của nó.

Khi nói ra lời cảm ơn, bố mẹ sẽ thấy rằng mình thật sự vui và hạnh phúc vì con đã làm điều đó cho mình, ngược lại bé cũng sẽ cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích.

9. Đừng liên tục so sánh con với những đứa trẻ khác

Bố mẹ nào cũng muốn con mình trở thành người tốt nhất có thể. Mong muốn tự nhiên này đôi khi có thể khiến bố mẹ so sánh con mình với người khác.

Nghiên cứu của Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng, một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi bố mẹ biết chấp nhận sẽ dễ đạt được thành công trong cuộc sống hơn. So sánh con cái với người khác là điều tối kỵ khi dạy dỗ con.

Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn con cái họ không nghe lời, luôn có chủ kiến của mình và coi lời nói của mình như gió thoảng qua tai. Tuy nhiên, họ không biết vấn đề đôi khi không phải ở đứa trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN