Không nên tuyển thẳng lớp 10 qua chứng chỉ ngoại ngữ
Theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, để đảm bảo giáo dục toàn diện và công bằng cho học sinh, khi tuyển sinh đầu cấp, nhất là đối với lớp 10 bậc THPT, các trường, địa phương không nên đưa ra các tiêu chí ưu tiên tuyển thẳng hoặc cộng điểm.
Nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng, không nên dùng tiêu chí phụ để tuyển sinh đầu cấp
Bậc THCS đánh giá năng lực toàn diện
Ít năm trở lại đây, một số địa phương đưa ra các tiêu chí tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho học sinh vào lớp 10 công lập; lớp 10 chuyên như: học sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS với điểm khá, học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố…
Tại Hà Nội, một số trường ngoài công lập cũng ưu tiên học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển sinh lớp 10. Nâng cao năng lực ngoại ngữ là nhu cầu của nhiều học sinh tuy nhiên, từ thực tế cần chứng chỉ để ứng tuyển vào các trường học đã khiến nhiều học sinh lao vào cuộc đua luyện IELTS với chi phí không hề thấp. Thậm chí, một số trường THCS tại Hà Nội đã phối hợp với trung tâm ngoại ngữ luyện IELTS ngay trong trường học.
TS Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết, hằng năm ngoài tuyển sinh theo điểm thi kỳ thi chung của Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, nhà trường có xét tuyển học bạ, tuy nhiên không có trường hợp ưu tiên, tuyển thẳng liên quan đến các chứng chỉ ngoại ngữ.
Đối với học sinh đăng ký xét tuyển, nhà trường sẽ xem xét học bạ, cộng một tỉ lệ nhỏ điểm ưu tiên cho học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố. “Những năm trước và cả thời gian tới, nhà trường không ưu ái học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, bởi vì ở bậc THCS, học sinh phải học toàn diện tất cả các môn. Không vì em nổi trội một mặt nào đó mà đánh giá toàn diện để ưu ái tuyển thẳng lên lớp 10 THPT”, TS Hoà nói.
Theo TS Hoà, nhiều năm tuyển sinh lớp 10, một trong những căn cứ đánh giá chính xác năng lực học sinh nhất chính là kết quả kỳ thi chung của sở GD&ĐT. Từ kết quả đó, các trường làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp, đảm bảo an toàn, rõ ràng, chính xác. Ở bậc THCS, học sinh nhỏ tuổi chưa phù hợp với việc luyện IELTS.
Ông Đào Tuấn Đạt, cố vấn giáo dục Trường THPT Anhxtanh, quận Đống Đa (Hà Nội), nói rằng, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT của trường nhiều năm nay bao gồm xét học bạ và căn cứ điểm thi của Sở GD&ĐT. Nếu xét học bạ, nhà trường chỉ chú ý điểm học tập các môn trong 4 năm học sinh học THCS, không quan tâm ưu tiên cộng điểm giải thưởng, chứng chỉ ngoại ngữ.
“Nếu ưu tiên tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS hoặc các chứng chỉ tương đương, những em gia đình có điều kiện, ở vị trí thuận lợi, bỏ hàng chục triệu đồng luyện thi sẽ hơn hẳn những em gia đình nghèo khó. Nếu cộng điểm ưu tiên, tôi cho rằng, phải cộng điểm cho những em ở vùng nông thôn, miền núi, vùng hải đảo xa xôi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không có cơ hội luyện thi, học nâng cao năng lực ngoại ngữ”, ông Đạt nói.
“Nhiều địa phương cho rằng, tuyển thẳng lớp 10 khi học sinh đạt điểm IELTS từ 6.0 trở lên là thúc đẩy phong trào học tập ngoại ngữ là không đúng. Bởi vì học lấy chứng chỉ IELTS mang tính chất học thuật, nhiều nội dung chuyên sâu, chưa phù hợp với lứa tuổi 12-13. Do đó, việc Bộ GD&ĐT “cấm” các địa phương dùng chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển thẳng là rất đúng đắn”.
Ông Đào Tuấn Đạt -
cố vấn giáo dục Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội)
Mất công bằng cho học sinh
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết, năm 2014, bộ đã ban hành quy chế tuyển sinh THPT, nêu rõ bốn nhóm thí sinh được tuyển thẳng và ba nhóm được cộng điểm ưu tiên (con các gia đình chính sách, lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn....).
Quy chế của bộ quy định, các tỉnh, thành phố chủ động kế hoạch tuyển sinh bao gồm thời gian tổ chức thi, môn thi, hình thức, còn các điều kiện liên quan tuyển thẳng hay ưu tiên thì phải thực hiện đúng quy định của bộ. Quy định cộng điểm khuyến khích như IELTS có thể tạo ra bất công giữa học sinh ở thành phố và nông thôn.
Trong khi đó, ở bậc THPT, quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ban hành quy định, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu nào đó sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Trong đó, môn Tiếng Anh yêu cầu thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0, TOEFL 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm được miễn thi ngoại ngữ và quy đổi điểm 10 nhằm xét tốt nghiệp THPT.
Năm ngoái, Hà Nội có gần 16.000 thí sinh được tính điểm 10 và miễn thi ngoại ngữ vì có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu. Số học sinh được miễn thi ngoại ngữ tăng vọt hằng năm. Ngoài ra, các địa phương như: TPHCM, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… cũng có số lượng lớn học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng để miễn thi tốt nghiệp THPT.
Theo chuyên gia, một số nhận định cho rằng học sinh đạt điểm IELTS cao thường là những em học tốt các môn học còn lại. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào gắn năng lực ngoại ngữ tương đồng với sự vượt trội ở các năng lực học tập khác.
Nguồn: [Link nguồn]