"Không nên lấy tri thức để trốn nhập ngũ"
Trước thông tin học sinh hoang mang về quy định nhập ngũ mới đã có làn sóng cho rằng, các bạn trẻ không nên trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách bao biện “chúng tôi bảo vệ Tổ Quốc bằng cái đầu, bằng chất xám”.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13, trong trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học trong cùng một thời điểm thì phải ưu tiên chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và báo cáo cho nhà trường để bảo lưu kết quả trúng tuyển.
Các nước tiên tiến đã làm được
Thông tư có hiệu lực từ ngày 7/3/2013 này nhận được sự không đồng tình từ nhiều học sinh, phụ huynh vì cho rằng phải tạm hoãn việc học trong vòng 2 năm là quá lâu, khiến các em phải bỏ lỡ quá nhiều cơ hội việc làm cũng như những lo lắng về tuổi tác sau khi xuất ngũ.
Tuy nhiên, không ít ý kiến khẳng định rằng việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không hề kém quan trọng hơn việc ngồi trên giảng đường. Hơn nữa, 2 năm làm người lính cũng sẽ dạy cho các bạn trẻ những điều bổ ích, nhiều kỹ năng quan trọng trước khi bước vào cuộc sống, đặc biệt là với những “công tử bột” vốn được nuông chiều và bao bọc từ bé.
Nhiều độc giả lấy ví dụ ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng là điều bắt buộc đối với công dân của họ.
“Tôi thấy ở các nước khác đã là công dân thì phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc (bằng cách thực hiện nghĩa vụ quân sự) như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí là Thái tử nước Anh cũng phải đi nghĩa vụ quân sự” – một độc giả nêu ý kiến.
Cùng chung quan điểm là độc giả Quốc Tuấn: “Hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện nguyên tắc tất cả thanh niên đến tuổi 18 phải tham gia quân đội trước khi vào đại học, cao đẳng, thời gian 6 tháng đến 1 năm. Thời gian quân ngũ của họ ngắn, không dài như chúng ta nhưng không bỏ sót một ai. Tôi thấy như thế là hợp lý vì thanh niên trước khi ra đời phải được rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật của quân đội, huấn luyện kỹ năng quân sự... Nếu có xảy ra chiến tranh, Nhà nước có lệnh tổng động viên, không mất thời gian huấn luyện, chỉ cần đưa bộ khung chỉ huy vào là tác chiến được ngay”.
Chị Thái Vy cũng đồng tình và cho rằng ở một số quốc gia trong khu vực, việc bắt buộc nhập ngũ với một thanh niên đã đi vào nếp từ lâu. “Trên các diễn đàn mạng chỉ có một số bộ phận các bạn trẻ chưa chuẩn bị được với sự gian khó mà lên tiếng với thông tư này. Còn phần lớn ai cũng chấp nhận nó hoặc im lặng cho sự cần thiết mà Bộ vừa đưa ra. Thiết nghĩ tuổi trẻ ngoài nhiệm vụ bồi dưỡng "trí- đức- tài"… thì cần lắm trách nhiệm với gia đình, quê hương và đất nước. Việc tòng quân là trách nhiệm thiêng liêng, niềm tự hào của tuổi trẻ”.
Đi bộ đội để hiểu giá trị cuộc sống
Trong khi nhiều bạn trẻ bày tỏ băn khoăn "đi bộ đội về quên hết kiến thức, liệu có đỗ ĐH?" thì nhiều người trong cuộc cho rằng “chỉ cần có ý chí”.
Đi bộ đội để hiểu giá trị cuộc sống - Ảnh minh họa
Một số ý kiến chia sẻ: “Tôi cũng đã từng trải qua quân ngũ và 4 năm sau tôi mới thi ĐH và vẫn đậu như thường, quan trọng là ý chí thôi các bạn ạ!”, “Trong quân đội bạn vừa công tác vừa vẫn có thể ôn lại kiến thức, nếu bạn quên kiến thức thì coi lại việc học tập của mình đi”, “Rất nhiều người bạn tôi sau 2 3 năm thực hiện nghĩa vụ vẫn có thể thi được 24, 25 điểm, cộng thêm điểm ưu tiên có thể vào bất cứ trường ĐH nào”….
Độc giả Đào Tân – người từng thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi học xong ĐH chia sẻ: “Mình chỉ thừa nhận việc thực hiện nghĩa vụ có thể chúng ta sẽ mất thời cơ cho công việc sau khi học xong vì mình nằm trong trường hợp đấy. Nhưng môi trường quân ngũ là một trường Đại học tổng hợp nó giúp chúng ta rèn luyện bản thân, nếu chúng ta muốn có nghị lực để quyết tâm theo đuổi con đường học hành, và con đường đời sau này thì đây là nơi tốt để rèn luyện”.
“Môi trường quân đội sẽ rèn luyện con người tốt hơn, giảm được việc đi học cho có lệ, ý thức học tập kém, giảm tệ nạn cho xã hội” – anh Đồng Tuấn đề xuất Nhà nước nên có chính sách cho công dân nam đi bộ đội trước khi thi ĐH hoặc nhập học.
Một bạn đọc khác cũng đưa ý kiến khá hợp lý: “Ở môi trường quân đội được huấn luyện, rèn luyện tư cách đạo đức, tinh thần dân tộc, chấp hành pháp luật, ăn ngủ đúng giờ… là vô cùng tốt cho thanh niên mới lớn bởi vì các bậc cha mẹ ở nhà không phải ai cũng biết cách giáo dục con tốt”.
Độc giả này cũng đề xuất một hướng giải quyết có phần thuyết phục là thời gian trong quân ngũ của những người đã đỗ ĐH, CĐ chỉ nên là 1 năm vì trong trường các bạn cũng sẽ được học quân sự. Với những bạn không đỗ thì vẫn giữ khoảng thời gian cũ.
Quy định càng khó thì lách luật càng nhiều?
Bên cạnh những ý kiến trái chiều về quy định mới, một số độc giả tỏ ra e ngại về mức độ khả thi. “Nói là vậy nhưng khó có thể thực hiện” vì “quy định càng khó thì lách luật càng nhiều”. Các bậc phụ huynh với tâm lý sợ con em mình vất vả thường “chạy các cửa” để các em dù không đỗ trường nào cũng vẫn được ở nhà.
Một độc giả gay gắt trước thực trạng phổ biến này: “Theo tôi quy định này cần phải siết chặt. Bây giờ cứ ai không muốn đi chỉ cần lên phường, xã cho mấy ông ấy mấy trăm nghìn là xong. Nhất là ở thành phố, nhiều bậc phụ huynh sợ cho con em mình đi bộ đội vì sợ vất vả. Như ở Hàn Quốc cứ đến tuổi là phải thực hiện nghĩa vụ dù anh có là con ông trời. Như ông Nguyễn Bá Thanh nói "làm láo quen rồi giờ làm thật thấy ngại!”.