Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, vì sao?

Sau kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo.

Công tác coi thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 với mục tiêu vừa để công nhận kết quả tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng đã hoàn tất và khâu chấm thi đang được triển khai, dự kiến sẽ có kết quả trước ngày 20-7.

Có thể nói mục tiêu cơ bản cho kỳ thi với những cải tiến, thay đổi so với năm ngoái đã được triển khai tương đối tốt. Phụ huynh và thí sinh giảm được nhiều áp lực, căng thẳng và tốn kém từ hai kỳ thi riêng biệt nay chỉ còn một kỳ thi, lại được tổ chức ngay tại địa phương. Cách chia thành hai loại cụm thi tốt nghiệp và cụm đại học bước đầu đã phân luồng được khả năng học tập và lựa chọn ngành nghề thí sinh…

Điểm đáng chú ý, sau khi công tác tổ chức coi thi kết thúc, một số nhà quản lý, nhà chuyên môn lại cho rằng việc nhập hai mục tiêu khác nhau thành một xem ra không ổn, lắm bất cập. Nhiều người đề xuất mạnh dạn chuyển thi tốt nghiệp THPT sang hình thức xét tốt nghiệp, giao trách nhiệm này cho các sở giáo dục địa phương, chỉ giữ kỳ thi tuyển sinh đại học và giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường đại học. Bộ GD&ĐT chỉ giữ vai trò quản lý nhà nước.

Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, vì sao? - 1

Các thí sinh vừa kết thúc các môn thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Tôi cho rằng đối với đặc thù giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện tại thì chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT này được. Vì học sinh Việt Nam lâu nay (kể cả người lớn) luôn thường trực tư tưởng tiêu cực: “không thi, không học”, học lệch, thiếu toàn diện, căn cơ; ý thức tự học, tự trau dồi tri thức phổ thông của học sinh còn rất thấp. Mặt khác, một số người có suy nghĩ thi tốt nghiệp mà đỗ gần hết, loại ra được mấy thí sinh thì cần gì thi nữa.

Là người đang quản lý và dạy học ở bậc THPT, tôi thiết nghĩ có một đợt sát hạch, kiểm tra sau 12 năm học phổ thông là cần thiết để đánh giá được một số mặt về chất lượng dạy-học của thầy và trò.

Nhiều năm nay, việc bỏ thi tốt nghiệp THCS chuyển sang xét công nhận, bên cạnh mặt tích cực, đúng đắn thì ở bậc học này đang bộc lộ sức ì thấy rõ. Không ít học sinh lớp 9 có biểu hiện học lệch, chỉ tập trung đầu tư học mấy môn thi tuyển sinh vào lớp 10 (đối với các địa phương vẫn duy trì hình thức thi tuyển), còn những môn học khác, môn phụ thì học sơ sài, qua loa, thậm chí bỏ luôn. Nhà trường THCS thiếu đi một căn cứ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, nhìn nhận hoạt động giáo dục trong hoàn cảnh nhiều giáo viên còn dễ dãi, nhiều trường còn chạy theo thành tích.

Hơn nữa, phần lớn các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển, dân trí cao vẫn duy trì hình thức thi tốt nghiệp bậc THPT. Bởi tính cần thiết, tác động tích cực của hình thức sát hạch đó đối với quá trình phát triển của giáo dục.

Thi tốt nghiệp THPT cần tiếp tục duy trì. Ngành giáo dục nên hoàn thiện, cải tiến hơn nữa về kỹ thuật, hồ sơ, đề thi, đặc biệt công tác coi thi, chấm thi để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng cho mọi thí sinh.

ĐỖ TẤN NGỌC, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Ngãi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN