Không mở dữ liệu đối với thí sinh rút hồ sơ trúng tuyển
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, Bộ không mở dữ liệu đối với thí sinh rút hồ sơ trúng tuyển.
“Thí sinh đã biết luật chơi (quy chế thi), đã chấp nhận cuộc chơi, giờ thí sinh đòi rút ra là vi phạm, cố tình “ăn gian” – ông Nghĩa khẳng định.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong đợt 1 xét tuyển đại học, mỗi thí sinh được chọn 2 trường với 4 nguyện vọng. Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, thí sinh sẽ nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đỗ và muốn học từ ngày 14/8 đến ngày 19/8.
Sau khi thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả, các trường ĐH đưa dữ liệu của thí sinh lên mạng. Mã số dự thi của thí sinh sẽ bị phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT vô hiệu hóa. Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng chỉ cấp cho mỗi thí sinh một giấy chứng nhận kết quả thi. Do đó, nếu đã nộp ở đợt 1 xét tuyển, thí sinh sẽ không còn cơ hội xét tuyển ở các đợt bổ sung sau.
Trong khi đó, để tạo điều kiện cho các trường ĐH tuyển sinh vì quy chế năm nay thí sinh được nộp hai trường nên có tình trạng ảo, Bộ GD&ĐT cho phép các trường xét tuyển bổ sung đợt sau với điểm chuẩn có thể thấp hơn đợt trước. Chính vì vậy, nhiều thí sinh sau khi nhận thông báo của các trường hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đã “tiếc” nên muốn đổi nguyện vọng.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo cho biết rất nhiều thí sinh trượt các trường quân đội đã trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Thế nên những ngày qua, một số thí sinh và gia đình đến xin rút phiếu chứng nhận kết quả thi. “Tuy nhiên, việc rút phiếu chứng nhận kết quả thi của thí sinh không giải quyết được vấn đề. Vì dữ liệu của các em khi đưa lên mạng đã được Bộ GD&ĐT vô hiệu hóa. Do đó, nếu rút ra, các em sẽ rơi vào tình trạng "trở đi mắc núi trở lại mắc sông" rồi cuối cùng không trúng tuyển trường đại học nào” – ông Điền khẳng định.