Không giải tán Ban phụ huynh nhưng sẽ cấm thu tiền?
Một phụ huynh tại TPHCM đã đưa ra đề nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học để giải quyết tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng Ban đại diện CMHS là rất cần thiết để kết nối nhà trường với gia đình trong quản lý giáo dục, học sinh.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet
Liên quan đến bức xúc lạm thu đầu năm học, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, Ban đại diện cham mẹ học sinh (CMHS) là rất cần thiết để kết nối nhà trường với gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh. Tuy nhiên, hoạt động của Ban đại diện CMHS như thế nào cũng cần phải xem xét để đảm bảo đúng, hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Đúng là hiện nay có một số nơi, Ban đại diện CMHS hoạt động chưa đúng quy định tại Điều lệ mà Bộ GD&ĐT quy định, thu những khoản thu không đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc Ban đại diện CMHS và hiệu trưởng.
Bộ sẽ tăng cường kiểm tra để có chấn chỉnh. Còn nếu Ban đại diện CMHS thực hiện theo đúng quy định hiện hành thì rất tốt.
Hiện Điều lệ Ban đại diện CMHS chỉ có quy định về thu hội phí để phục vụ cho hoạt động của hội phụ huynh. Bộ đang nghiên cứu để sửa theo hướng không quy định vào Điều lệ việc thu hội phí nữa.
Vậy, Ban đại diện CMHS làm như thế nào thì đúng trách nhiệm, thưa bà?
Điều lệ Ban đại diện CMHS hiện hành có nêu rất rõ vấn đề này. Ví dụ trong năm học này nhà trường có những hoạt động giáo dục nào cần phối hợp với gia đình; nhà trường cần thông báo để ban đại diện CMHS nắm được để thông báo đến các phụ huynh học sinh.
Hay con mình ở trường thế nào, tốt hay không tốt thì cũng cần có sự giám sát của Ban đại diện CMHS.... Nói chung, Ban đại diện CMHS đừng biến tướng để trở thành tổ chức chỉ đứng ra thu tiền.
Tuy Bộ chưa nhận được kiến nghị của phụ huynh nào về việc bỏ ban đại diện CMHS nhưng chúng tôi sẽ có ý kiến.
Bà có thể cho biết, sắp tới Bộ sẽ sửa điều lệ CMHS như thế nào?
Bộ đang xem xét vấn đề này. Nhưng tinh thần chung là những vấn đề chưa thực sự phù hợp, có kẽ hở để nhà trường và Ban đại diện CMHS lợi dụng, làm những việc tiêu cực thì chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh.
Đề xuất là Ban đại diện CMHS tuyệt đối không đứng ra thu tiền nữa mà chỉ làm những việc liên quan đến giáo dục con em cùng với nhà trường?
Hiện Điều lệ Ban đại diện CMHS chỉ có quy định về thu hội phí để phục vụ cho hoạt động của hội phụ huynh. Bộ đang nghiên cứu để sửa theo hướng không quy định vào Điều lệ việc thu hội phí này nữa. Dù điều này không sai nhưng có thể những ban đại diện CMHS lách điều đó để thu các khoản khác.
Xin cảm ơn bà!
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Ban đại diện cha mẹ học sinh ngoài nhiệm vụ phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh còn giám sát các hoạt động của nhà trường. Nhưng có một số nơi người ta dùng ban đại diện cha mẹ học sinh như cánh tay nối dài của hiệu trưởng để thu tiền. Cái này không đúng đắn phải chấn chỉnh. Vấn đề lạm thu có xuất phát từ thực tế là học phí có 30 – 40.000 đ/tháng, có ý nghĩa tượng trưng là chính. Nên tăng nhưng việc việc này phải do chính phủ quy định và cơ quan quyền lực của địa phương quy định. Các trường còn phải làm một số dịch vụ khác đơn giản như giữ xe cho học sinh thì cần có tiền. Nên phải thu tiền để thuê người giữ xe. Nhưng có nhiều nơi, vì quy định được thu nên họ lợi dụng kẽ hở để thu quá lên. Vì vậy, cần quy định rõ ràng, khoản nào là dịch vụ ra dịch vụ. Cơ sở vật chất về nguyên tắc là nhà nước đầu tư. Nhưng nhiều khi ngân sách chưa về kịp nên phải có cách vay tiền của phụ huynh. Hoặc như trang bị điều hòa cho các lớp học là phụ huynh tự nguyện. Nhưng vô lý ở chỗ điều hòa dùng hàng chục năm nhưng năm nào phụ huynh cũng phải đóng tiền. Vậy có thể huy động tiền của phụ huynh nhưng đến khi các cháu ra trường phải trả lại tiền cho phụ huynh vì có khoản thu của học sinh mới rồi. Như thế thì phụ huynh cảm thấy sòng phẳng, không kêu. |
Một phụ huynh lớp 3.2 Trường Tiểu học Hòa Bình làm nóng vấn đề lạm thu đầu năm khi thẳng thắn viết vào thư ngỏ: Hội...