Không đủ điều kiện làm hiệu trưởng, GS Trương Nguyện Thành rời ĐH Hoa Sen

Sự kiện: Giáo dục

Ngày 4/5, GS Trương Nguyện Thành đã chính thức chia tay ĐH Hoa Sen sau 1 năm gắn bó và trở về Mỹ.

Không đủ điều kiện làm hiệu trưởng, GS Trương Nguyện Thành rời ĐH Hoa Sen - 1

GS Trương Nguyện Thành. Ảnh: ĐH Hoa Sen

Trong thư (Email) gửi đến cán bộ, giảng viên, sinh viên ngày 4/5, GS Trương Nguyện Thành chia sẻ: “Hơn một năm qua, tôi có cơ hội đồng hành cùng anh/chị/em vượt qua nhiều thử thách trong thời gian đầu khi Ban Giám hiệu mới tiếp quản trường cũng như cùng nhau xây dựng nhiều dự án mới sau đó. Thời gian qua không quá ngắn để tôi có một gắn bó với con người Hoa Sen, cảm kích với lối sống tình cảm của nhiều anh/chị/em, và cảm động với nhiều chia sẻ chân thành của sinh viên...

Đến hôm nay có lẽ các anh/chị/em đã biết thông tin về việc công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi qua thầy Hiệp, Hiệu trưởng. Tuy được tín nhiệm bởi Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) của Đại học Hoa Sen với 16/18 phiếu, qui trình công nhận vị trí Hiệu trưởng theo luật Giáo dục Đại học Việt Nam thì tôi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do đó Bộ/Sở Giáo dục và Đào tạo không đủ cơ sở để đề xuất Ủy ban Nhân dân TP công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi. Đây là điều đáng tiếc ngoài mong đợi của HĐQT, toàn thể giảng viên, nhân viên, và sinh viên cũng như của riêng tôi…".

Ông Trương Nguyện Thành sinh năm 1962, là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán do Trường ĐH Minnesota (Hoa Kỳ) cấp năm 1990. Trong quá trình công tác ông tham gia giảng dạy tại ĐH Utah (Hoa Kỳ) từ năm 1992-2002, tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của ĐH này.

Ngoài ra, ông Thành cũng từng là Viện trưởng khoa học của Viện Khoa học và công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM) từ tháng 11/2007 đến tháng 6/2017. Từ ngày 17/1/2017 tới nay ông giữ chức Phó hiệu trưởng điều hành của Trường ĐH Hoa Sen.

Không đủ điều kiện làm hiệu trưởng, GS Trương Nguyện Thành rời ĐH Hoa Sen - 2

GS Thành từng gây sốc khi mặc quần đùi lên giảng bài

Sau khi về Trường ĐH Hoa Sen, GS Trương Nguyện Thành đã gây sốc khi mặc quần đùi giảng bài trước sinh viên nên nhiều người hay gọi là "giáo sư quần đùi".

Trước đó, vào giữa tháng 4/2018, UBND TP.HCM có gửi văn bản tới Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) về việc công nhận Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen. Người được đề cử là GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng điều hành. HĐQT ĐH Hoa Sen đã thống nhất đề cử chức danh hiệu trưởng đối với ông Trương Nguyện Thành với tỉ lệ tán thành là 88,89% (16/18 phiếu).

Trong văn bản Sở GD&ĐT TP.HCM gửi  UBND TP.HCM có đề cập tới việc Bộ GD&ĐT trả lời về hồ sơ công nhận ông Trương Nguyện Thành là Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen như sau: "Trường ĐH Utah là một trường đại học công lập lớn của Hoa Kỳ với số lượng hiện có khoảng 26.000 sinh viên và gần 3.500 giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên. Theo các văn bản gửi kèm công văn của Sở GD&ĐT TP.HCM, những vị trí mà ông Trương Nguyện Thành tham gia là chủ tịch một số hội đồng (committee) của các nhóm công việc chuyên môn, hoặc liên quan hoạt động của ĐH Utah và không phải là các khoa hoặc phòng của trường. Việc xác định vị trí quản lý tương đương, hiện nay chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng, khoa của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do vậy không đủ cơ sở pháp lý được xác nhận cụ thể nội dung này".

Ông Vũ Văn Tấn, Chánh văn phòng Ban giám hiệu Trường ĐH Hoa Sen cho biết, mục tiêu của ông Thành về Trường ĐH Hoa Sen là làm hiệu trưởng. Vì vậy sau khi UBND TP.HCM có văn bản về việc ông Thành chưa đạt chuẩn làm hiệu trưởng và trùng với thời gian hợp đồng của ông Thành ở trường kết thúc nên cả hai chia tay. Sắp tới Hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen sẽ bầu ra một hiệu trưởng mới.

Giáo sư mặc quần đùi giảng dạy:  Phải dũng cảm vượt qua định kiến!

“Thông điệp tôi muốn nhắn gửi đến sinh viên đó là sáng tạo đòi hỏi dũng cảm vì sự khác biệt, đôi khi là “cô độc“...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN