Không để thất học vì học phí tăng

Sẽ có quy định chung về những khoản thỏa thuận với phụ huynh.

Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2013-2014 do Ủy ban Mặt trận (UBMT) Tổ quốc TP.HCM và Sở GD&ĐT TP tổ chức sáng 23/8.

Nhiều băn khoăn đầu năm

Tại hội nghị, nhiều đại biểu ý kiến rằng năm học tới TP sẽ áp dụng mức tăng học phí mới cao hơn 3-6 lần, đây sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với nhiều gia đình nên cần chú ý công tác tư tưởng từ cấp phường.

Khảo sát tình hình công tác chuẩn bị năm học mới tại các quận 4, 11, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn cuối tháng 7 vừa qua của UBMT TP cho thấy ngoài học phí tăng gây lo ngại cho phụ huynh, các quận, huyện còn thiếu hàng trăm giáo viên để đảm bảo việc giảng dạy khi bước vào năm học mới, đề nghị cho phép tuyển dụng khối KT3. Nhiều công trình trường học chậm triển khai vì TP chưa giao vốn, vướng giải tỏa… như Trường Tiểu học Khánh Hội B (quận 4) nằm trên bờ sông Kênh Tẻ đã xuống cấp, đáng báo động vì khuôn viên trường bị sạt lở hàm ếch nhưng chưa biết khi nào sẽ được gia cố hoặc di dời.

Không để thất học vì học phí tăng - 1

Học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo,quận 5 háo hức trong
ngày tựu trường 2013. Ảnh: HTD

Về đề án thí điểm mô hình trường chất lượng cao, tập trung những điều kiện tốt dễ khiến phụ huynh đổ xô chạy hộ khẩu cho con em vào học làm xáo trộn sinh hoạt, tình hình giao thông. Ngành giáo dục cần nhân rộng, cân đối mô hình này ra để tất cả trường có chất lượng đồng đều.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP, cũng lưu ý TP phải có cách nào kiểm tra, giám sát tốc độ gia tăng dân số tự nhiên, cơ học hoặc theo tâm lý xã hội để xây dựng mạng lưới trường lớp cho phù hợp. Như việc phát triển các khu công nghiệp, TP phải tính toán trước việc xây trường lớp cho con em công nhân, tránh tình trạng quy hoạch phát triển đô thị mà quên để đất cho trường học như hiện nay.

Vẫn chờ hướng dẫn thu chi

Về những vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh cho biết: Sở đang phối hợp với Sở Tài chính TP để sớm có văn bản hướng dẫn liên sở về thực hiện các khoản thu chi cho năm học 2013-2014. Theo đó, ngoài những khoản thu bắt buộc, sẽ quy định chung về những khoản thỏa thuận với phụ huynh. Các quận, huyện sẽ tùy điều kiện thực tế tại địa phương để đưa ra mức thu phù hợp nhất.

Riêng việc xây dựng mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, ông Thanh cho biết TP sẽ đề ra những tiêu chí cụ thể, khuyến khích các quận, huyện xây dựng trường từ các cấp học theo mô hình này và vẫn đảm bảo cho mọi con em trên địa bàn đều có chỗ học.

Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Chủ tịch UBMT TP, đề nghị: Sở GD&ĐT cần sớm ban hành hướng dẫn về các khoản học phí điều chỉnh để phụ huynh không sốt ruột. Các khoản thu phải tách bạch rõ ràng. Một số địa phương như quận 4, quận 11 còn khó khăn nhưng số con em thuộc diện miễn, giảm rất ít nên yêu cầu ủy ban Thường trực 24 quận, huyện cần giám sát, phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH và Phòng GD&ĐT để tránh bỏ sót đối tượng con em các hộ dân nghèo.

TP.HCM vẫn thiếu 1.200 giáo viên

Vừa qua Sở GD&ĐT đã tuyển dụng được gần 2.000 giáo viên các cấp học và đã đưa về nhận công việc tại các trường. Tuy nhiên, đến nay toàn TP vẫn đang thiếu 1.200 giáo viên, trong đó mầm non thiếu 300, tiểu học thiếu 500, THCS thiếu 400 mới đáp ứng đủ theo định mức quy định. Nhưng thực tế với số lượng hiện có, TP vẫn đảm bảo không một lớp học nào thiếu giáo viên, cũng như không có môn học nào không có giáo viên giảng dạy ở năm học mới. Hiện Sở đang tiếp tục tổ chức tuyển dụng đợt 2 để kịp thời bổ sung.

Ông PHẠM NGỌC THANH, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.LAN - P.ANH (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN